Thiên tai lịch sử đang hoành hành miền Tây

Thứ sáu, 11/03/2016, 15:53
Người dân miền Tây đang hứng chịu trận thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thấp nhất trong 90 năm là nguyên nhân khiến xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở hơn chục tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công, song lại bị nắng hạn hoành hành. Dự báo, thiên tai gay gắt kéo dài, nguy cơ 500.000 ha lúa hè thu không thể xuống giống, tác động nghiêm trọng đến đời sống của một triệu hộ dân (tương đương 5 triệu người).

"Với diễn biến như hiện nay, chúng ta đang trải qua trận thiên tai lịch sử", Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhận định.

Bà Phạm Thị Tiết (80 tuổi, ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) nói: "6 công lúa đông xuân của gia đình mất trắng. Từ trước tới nay dân ở đây chưa từng chứng kiến cảnh nước mặn lên cao và nắng hạn gay gắt như thế này".

Hiện, Tiền Giang có hơn 1.000 ha lúa đông xuân của người dân bị mất trắng. Các địa phương trong tỉnh lắp 674 điểm bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp phục vụ nước tưới cho gần 22.000 ha lúa.

Tại vùng Miệt Thứ tỉnh Kiên Giang, nhiều nông dân xuống giống vụ đông xuân nhưng chỉ thu hoạch được lúa lép. Ông Danh Ca (42 tuổi, huyện An Biên) thở dài, cho biết: "Nước mặn năm nay tràn vào mạnh quá, dân chúng tôi trở tay không kịp. Nhìn đồng lúa đang ngậm sữa chết dần mà đứt ruột đứt gan".

Đến nay, Kiên Giang có hơn 55.000 ha lúa bị thiệt hại. Để bảo vệ diện tích lúa còn lại, chính quyền khẩn cấp làm 89 đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt; đồng thời khoan nước ngầm với công suất 20.000 m3 mỗi ngày đêm phục vụ người dân.


Tương tự, Sóc Trăng có 12.800 ha lúa ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Kế  Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên nhưng đã bị thiệt hại trên 70%, gây tổn thất trên 30 tỷ đồng của nông dân. Trong ảnh, ôngThạch Thanh (42 tuổi) ở vùng bị mặn xâm nhập nặng thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bần thần bên ruộng lúc khô cằn, nứt toác. "Thấy mình bất lực trước cái nắng cháy. Làm ruộng rẫy không được, mấy tuần nay nhiều người ở đây bỏ đi miền Đông mần mướn kiếm sống, chờ mưa xuống mới quay về", ông nói.


Con mương nội đồng trong vùng tứ giác Long Xuyên nứt nẻ vì nắng hạn gay gắt nhiều tháng qua. Trước đó, những giọt nước cuối cùng được người dân bơm hết lên ruộng để cứu lúa.

Nhiều kênh nội đồng ở vùng bán đảo Cà Mau trơ đáy. Hiện, người dân cố gắng vét từng giọt nước cuối cùng để mong cứu được lúa.

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã công bố tình trạng thiên tai. Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết chỉ còn 4 trong 164 xã, phường chưa bị mặn tấn công; công sở, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp đều đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 40.000 - 70.000 đồng mỗi m3.

Hạn hán khiến vùng đất giồng cát trồng hoa màu ven biển ở miền Tây gần như mất trắng vì thiếu nước ngọt tưới. Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó phòng Nông nghiệp huyện Ba Tri (Bến Tre) lo ngại: "Lúa mất trắng đã khổ cho người dân lắm rồi. Bây giờ rau màu và cây ăn trái cũng đang khô héo từng ngày. Người khá có đất sản xuất thì bị thiệt hại dẫn đến không có thu nhập, còn người nghèo thì không ai thuê làm, chẳng biết lấy gì mà sống".

Trong khi đó, tại vùng bán đảo Gò Công (Tiền Giang), những ao, đìa nước ngọt còn sót lại đang rất quý giá, được người dân tận dụng tối đa để bơm vào ruộng cứu lúa.

Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chưa hoàn chỉnh lại đang quá tải trước cơn thiên tai lịch sử này. Toàn vùng cần nguồn kinh phí 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó cần gấp 1.060 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện những công trình cấp bách nhất để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.


Tại các khu vực sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, ven biển Tây; nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 45-93km; nhiều nơi có độ mặn cao nhất đạt 20,3-31,5g/l. Bộ trưởng Nông Nghiệp Cao Đức Phát nói: "Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn".

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn