Mùa tăng lương tối thiểu vùng 2017 đang nóng dần. |
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn yêu cầu các địa phương đánh giá, đôn đúc việc doanh nghiệp thực hiện lương tối thiểu vùng 2016. Theo đó, dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho "mùa" tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Theo yêu cầu, các địa phương cần tìm hiểu điểm được hoặc chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh lương của người lao động tại các đơn vị. Các số liệu tổng hợp liên quan cũng như các đề xuất của doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, hiệp hội... cần được tổng hợp sớm.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đang có nhiều cuộc gặp gỡ để tiếp thu ý kiến về tiền lương, BHXH từ phía các Tổng công ty, doanh nghiệp trong nước và FDI có sử dụng đông lao động. Đặc biệt, những doanh nghiệp sử dụng đông lao động và hoat động trong những lĩnh vực gia công may mặc, da giày, chế biến thủy sản… được lưu ý.
Các thông tin tiếp thu có thể là nguồn bổ sung chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng 2017 vào quý III/2016.
Trước đó, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi tới các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và các Tổng công ty về việc tăng cường giám sát việc thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016.
Theo đó, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động, nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động... Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.
Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sở hữu lao động cho biết cũng đang dự định khảo sát trong tháng 4 để chuẩn bị cho đối thoại tăng lương 2017.
Trước đó, cuối năm 2015, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2016 đã phải trải qua rất nhiều cuộc họp bàn với nhiều ý kiến trái chiều giữa Tổng liên đoàn Lao động và VCCI. Theo đó, mức đề xuất tăng lương tối thiểu VCCI đưa ra thường thấp hơn nhiều với bên đại diện lao động.
Trong khi đó, một số chuyên gia về lao động lại cho rằng, chỉ khi mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động mới có thể tính tới chuyện tăng suất suất lao động.
Cuối cùng, mức tăng chốt ở 12,4% so với năm 2015. Như vậy, đầu năm 2016, ngoài thực hiện tăng lương tối thiểu, các đơn vị doanh nghiệp phải điều chỉnh cả thay đổi quy định về việc đóng BHXH. Có thể thấy, việc thực hiện kép hai điều chỉnh này làm tăng sức ép cho doanh nghiệp khi cùng lúc phải gia tăng chi phí vận hành, sản xuất.
Song theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh là phù hợp với thực tế bởi có thể bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
Từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng 2016 (Nghị định số 122/2015/NĐ-CP) và BHXH bắt buộc theo Luật BHXH (số 58/2014/QH13) chính thức được áp dụng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2016 là:
- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng;
- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng;
- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng;
- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHXH xã hội bắt buộc như sau:
- Người lao động đóng BHXH bằng 8% tiền lương tháng (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất).
- Người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).
- Tổng tỷ lệ đóng BHXH là 26% tiền lương tháng.
Theo Zing