Giới nhà giàu vẫn mạnh tay mua sắm du thuyền dù tài sản suy giảm. |
Theo báo cáo mới đây của Knight Frank, số người giàu có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên trên toàn cầu, không bao gồm chỗ ở chính, đã giảm 3% so với năm ngoái. Hiệu ứng từ sự mờ nhạt của thị trường chứng khoán trong năm qua cộng với giá dầu liên tục ở mức thấp được cho là nguyên nhân khiến cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, bất chấp suy thoái, báo cáo của Knight Frank cho thấy, năm ngoái giới nhà giàu vẫn “mạnh tay” mua sắm các loại siêu du thuyền. Các điểm đến của những du thuyền này cũng trở nên lạ lẫm hơn, chuyển từ Địa Trung Hải, Caribbean đến các khu vực như châu Á hay châu Nam cực.
Tiêu dùng các loại điện thoại xa xỉ và chuyên cơ tư nhân cũng cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới. Hoạt động sưu tầm cũng được dự báo sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho đầu tư.
Trong số 91 nước mà Knight Frank nghiên cứu thì chỉ có 34 nước có số lượng người giàu tăng trưởng tích cực trong năm 2015 so với năm ngoái. Canada là một trong những nước có mức giảm mạnh nhất với 24%, tiếp đó là Nam Phi giảm 23%, Singapore giảm 20% và mức sụt giảm về số lượng người giàu của Mỹ là 2%.
Kể từ năm 2005, lợi nhuận từ đầu tư đóng góp lớn trong sự tăng trưởng 61% của tài sản toàn cầu, nhưng theo dự đoán của Knight Frank thì mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống còn 41% trong 10 năm tới.
Trong hơn một thập kỷ qua, các nền kinh tế mới nổi là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và xu hướng này được dự đoán sẽ được tiếp tục trong thập kỷ tới. Khu vực Bắc Mỹ hiện đang duy trì là nơi có số lượng người giàu (có tài sản trên 30 triệu USD) nhiều nhất thế giới – được dự đoán sẽ tăng lên 21.000 người vào năm 2025. Tuy vậy, vẫn không cao hơn so với khu vực châu Á khi khu vực này được dự đoán sẽ có 27.000 người giàu trong 10 năm tới.
Theo Dân Trí