Năm 2011, sự kiện Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel của Mỹ tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn thành viên trắng tay với số tiền thiệt hại nhiều tỷ đồng. 4 năm sau, 60.000 người lại “sập bẫy” lừa đảo Liên Kết Việt và những câu chuyện xung quanh bán hàng đa cấp vẫn chưa hề nguội.
Với những vụ việc kể trên và nhiều vụ lừa đảo khác có quy mô nhỏ hơn, ở Việt Nam bán hàng đa cấp đang được nhìn nhận như một hình thức lừa đảo.
Tuy nhiên, đây là một mô hình kinh doanh được thừa nhận hợp pháp trên thế giới nhưng rất dễ biến tướng thành trò lừa đảo và do đó cần có một cái nhìn khách quan và sâu sắc hơn về mô hình này.
Multi - level marketing (MLM, tên tiếng Việt là tiếp thị nhiều tầng hay bán hàng đa cấp, bán hàng trực tiếp, bán hàng mạng lưới) là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh.
Bản chất của bán hàng đa cấp không hề xấu mà chỉ là một cách bán hàng trực tiếp khác với các mô hình kinh doanh thông thường mà trong đó người bán sẽ dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng.
Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.
Cho đến nay nguồn gốc của MLM vẫn là điều gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy MLM đã tồn tại từ những năm 1920 hay 1930 với những cái tên như California Vitamin Company (sau này đổi tên thành Nutrilite) và California Perfume Company (sau này đổi tên thành Avon Products).
Theo số liệu từ Hiệp hội Bán hàng trực tiếp (DSA) của Mỹ - một nhóm vận động hành lang cho ngành công nghiệp MLM với 200 thành viên, riêng ở Mỹ có hơn 1.000 công ty sử dụng mô hình MLM. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như Herbalife, Amway, Avon, Oriflame, Tupperware…
Các nước quản lý bán hàng đa cấp như thế nào?
Ở Mỹ, các công ty MLM xuất hiện ở tất cả các bang. Pháp luật Mỹ cũng thừa nhận đây là hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên phần lớn dư luận cho rằng dù hợp pháp, bán hàng đa cấp vẫn đi theo mô hình kim tự tháp, tức lừa đảo.
Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) từng cảnh báo hãy tránh xa những mô hình MLM trả phí để bạn tuyển dụng nhà phân phối mới vì đây chính là mô hình kim tự tháp bất hợp pháp. Mô hình này nguy hiểm vì sẽ sớm sụp đổ khi không thể tuyển thêm thành viên mới và khi đó tất cả - trừ những người ở đỉnh tháp – sẽ trắng tay.
FTC cho rằng điểm đáng chú ý nhất để phân biệt là công ty phải thu được doanh thu chủ yếu từ số nhà phân phối mà bạn tuyển dụng được và doanh thu từ sản phẩm chứ không phải từ việc kêu gọi nhiều người tham gia và bắt họ nộp phí ban đầu.
Còn ở Trung Quốc, bán hàng đa cấp bắt đầu có mặt kể từ khi nước này cải cách kinh tế năm 1978, với sự xuất hiện của các công ty Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Năm 1998, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm MLM ở đại lục vì những lý do liên quan đến xã hội, kinh tế và thuế.
Đến năm 2005, Trung Quốc ban hành luật quy định về hoạt động bán hàng trực tiếp. Để được phép bán hàng trực tiếp, công ty phải đáp ứng được những yêu cầu: có giấy phép kinh doanh, chỉ được trả 1 cấp độ hoa hồng, người bán phải tham gia khóa đào tạo và có chứng chỉ khi khóa học đó kết thúc đồng thời phải đeo thẻ để chứng minh rõ ràng cấp bậc của họ.
Ngoài ra mức hoa hồng được quy định bằng 30% doanh thu (đã bao gồm cả thưởng và các phúc lợi khác).
Ngược lại, MLM được coi là hoạt động hợp pháp ở Đài Loan và Hồng Kông. Do đó các công ty đa cấp ở đại lục thường sử dụng địa chỉ cũng như mở tài khoản ngân hàng ở Đài Loan và Hồng Kông nhằm lách luật.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, các công ty sử dụng mô hình MLM thường xuyên trở thành đối tượng bị chỉ trích và vướng vào các vụ kiện pháp lý.
Nguyên nhân là vì mô hình này có quá nhiều điểm tương đồng với các mô hình bất hợp pháp như mô hình kim tự tháp, thu phí gia nhập quá cao, tập trung vào việc lôi kéo người khác thay vì doanh thu thực tế, tận dụng mối quan hệ cá nhân để đạt được mục tiêu về doanh số cũng như tuyển dụng và nhiều hình thức lừa đảo tinh vi khác.
Theo Trí Thức Trẻ