Haiyan hay Hải Yến, một trong những cơn bão kỷ lục có sức tàn phá mạnh nhất từng được ghi nhận, đổ bộ vào Philippines ngày 8/11. Với sức gió lên đến 315 km/h, nó gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho khu vực miền Trung và đặc biệt là thành phố Tacloban, tỉnh Leyte. Tính đến ngày 22/11, chính phủ Philippines ước tính khoảng 5.200 người chết, 1.600 người mất tích và thiệt hại về vật chất hơn 500 triệu USD. Không chỉ Philippines, siêu bão Haiyan cũng gây nhiều thiệt hại về người và của ở Việt Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
|
Ngày 20/4, trận động đất 7,0 độ richter, tâm chấn ở độ sâu 12km xảy ra tại huyện Lô Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Trận động đất khiến người dân phải chạy ra khỏi nhà để lánh nạn và nhiều người còn mặc nguyên đồ ngủ. Các dư chấn liên tiếp xuất hiện. 193 người thiệt mạng, 11.460 người bị thương, và 25 người mất tích. Ngoài ra, thiên tai cũng khiến nhiều tòa nhà cũ tại Lô Sơn sụp đổ. Ảnh: Sina Weibo |
|
Ngày 15/2, một thiên thạch bay vào bầu khí quyển trái đất trên bầu trời nước Nga và trở thành một quả cầu lửa. Với vận tốc 54.000km/h, gấp 44 lần vận tốc âm thanh, thiên thạch bay qua bầu trời khu vực Ural và nổ trên tỉnh Chelyabinsk ở độ cao khoảng 15 đến 25km so với mặt đất. Theo ước tính của NASA, thiên thạch có đường kính 17m, nặng xấp xỉ 7.700 đến 10.000tấn và giải thoát năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20 - 30 lần so với vụ nổ hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Sau đó thiên thạch vỡ thành 7 mảnh chính và một trong số đó rơi xuống hồ Chebarkul đang đóng băng, tạo thành một cái lỗ với đường kính 6m. Thiên tai này khiến khoảng 1.000 người bị thương và kính của nhiều ngôi nhà vỡ. Ảnh: Wikipedia |
|
Chiều 20/5, một cơn lốc xoáy cực mạnh có cường độ EF5 (mức cao nhất trong thang đo sức mạnh lốc xoáy) quét qua thành phố Moore, hạt Oklahoma, Mỹ và khu vực lân cận khác. Thiên tai kinh hoàng làm chết ít nhất 51 người và làm bị thương hơn 145 người, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 1,5 đến 3 tỷ USD. Ảnh: AP |
|
Một cơn địa chấn 7,1 độ richter xảy ra tại tỉnh Bohol, Philippines vào hôm 15/10. Theo báo cáo chính thức gần đây của Cơ quan Giảm nhẹ và Quản lý thiên tai quốc gia, 144 người chết, 23 người mất tích và 291 người bị thương sau động đất. Đây là trận động gây thương vong nhiều nhất ở Philippines trong vòng 23 năm qua. Các nhà khoa học ước tính năng lượng của động đất tương đương với 32 quả bom Hiroshima. Ảnh: Reuters |
|
Tháng 6/2013, một trận mưa dữ dội đổ xuống bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ trong nhiều ngày, gây ra lũ lụt, lở đất. Đây là thiên tai tồi tệ nhất ở Ấn Độ sau sự kiện sóng thần năm 2004. Mặc dù mưa lớn cũng xảy ra tại một số nơi như bang Himachal Pradesh , Haryana , Delhi và Uttar Pradesh, nhưng trên 95% số người chết và bị thương sống ở Uttarakhand. Tính đến ngày 16/7, theo số liệu của chính quyền bang Uttarakhand, lũ lụt khiến hơn 5.700 người thiệt mạng và phá hủy hơn 365 ngôi nhà. Ảnh: AP |
|
Lũ lụt ở Trung Âu bắt đầu sau nhiều ngày mưa lớn vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, gây thiệt hại ở phía Nam và phía Đông nước Đức, Cộng hòa Séc và Áo. Các nước Thụy Sĩ, Slovakia, Belarus, Ba Lan và Hungary cũng chịu ảnh hưởng một phần nhưng với mức độ thấp hơn. Giới chuyên môn nhận định đây là trận lụt nặng nề nhất ở châu Âu trong vòng 70 năm qua. Thiên tai này khiến 25 người chết và gây thiệt hại khoảng 12 tỷ euro. Ảnh: Telegraph |
|
Một trận động 7,7 độ richter xảy ra hôm 24/9 ở độ sâu 20km, tâm chấn cách huyện Awaran của tỉnh Balochistan, Pakistan 66 km về hướng Đông Bắc. Trận động đất khiến ít nhất 238 người thiệt mạng, bao gồm 208 người tại huyện Arawan và thành phố Turbut, 30 người ở huyện Kech. Khoảng 382 người bị thương và nhiều người vẫn nằm dưới đống đổ nát. Ngoài ra, động đất cũng tạo ra một đảo mới với chiều cao 6 tới 9m, đường kính khoảng 30m, trên biển Ả rập. Ảnh: Reuters |
Theo Tri thức