8h30, Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines cùng 9 đồng phạm bị đưa vào phòng xử. Ông Dũng có phần gầy hơn so với trước. Xuất hiện tại tòa, các bị cáo mặc áo khoác xanh, bên trong áo sơ mi trắng .
Tại phiên tòa sáng nay có 13 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Riêng Dương Chí Dũng có đến ba người gồm: Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy, và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội).
Ngồi ở vị trí chủ tọa là bà Ngô Thị Ánh.
Hơn 9h, sau phần thủ tục, đại diện VKSND đọc bản luận tội dài 42 trang.
An ninh được thắt chặt từ sáng sớm. Ảnh: Vietnamnet. |
Trước đó, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án), Trần Hải Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) với 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can còn lại: Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên, Cục đăng kiểm Việt Nam), Mai Văn Khang (thành viên Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ụ tàu cũ của Vinalines mua về sửa chữa tại Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (Khánh Hòa) tháng 7/2008. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo hồ sơ truy tố, năm 2007 - 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định phương án mua ụ nổi 83M. Biết rõ tình trạng ụ nổi 43 năm tuổi đã cũ, bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động nhưng Dương Chí Dũng vẫn chỉ đạo các đồng phạm hợp thức thủ tục mua ụ 83M với giá 9 triệu USD trong khi giá trị thực 2,3 triệu USD.
VKSND Tối cao xác định, đến năm 2012 - thời điểm khởi tố vụ án và bị can, số tiền đổ vào ụ nổi 83M lên đến hơn 525 tỷ đồng (gồm tiền mua bán, sửa chữa, bảo quản...). Hành vi làm trái của 10 bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 336 tỷ đồng.
Thông qua việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều tham ô lên đến hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, ông Dũng và Phúc mỗi người chia nhau 10 tỷ đồng, Sơn nhận hơn 7,8 tỷ đồng và Chiều được chia 340 triệu đồng.
Với hành vi phạm tội, VKS xác định, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu còn các bị can khác có vai trò đồng phạm.
Dự kiến, phiên tòa kéo dài 3 ngày (12 - 14/12).
- Chiều ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam với Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định, Dương Chí Dũng không có mặt tại nơi ở và nơi làm việc. - Ngày 19/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với ông Dương Chí Dũng. - Đầu tháng 6/2012, Tổ chức Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế với Dương Chí Dũng. - Ngày 4/9/2012, sau hơn 3 tháng bị truy nã, ông Dương Chí Dũng bị bắt. |
Theo Tri thức