Cả khu dân cư hoang mang
Căn nhà số 56/13 trên đường số 20 bị tốc mái sau khi một chiếc máy bay ngang qua là sự cố thứ hai xảy ra trong vòng 10 ngày tại khu vực này.
Dù mới dừng ở mức độ “nghi án” nhưng nhiều người dân có nhà cao tầng lợp ngói tỏ ra hoang mang mỗi khi nghe tiếng động cơ máy bay.
Máy bay bay ngang nhà bà Du. |
Tiếp xúc với bà con chúng tôi được biết, dưới mặt đất, giới hạn bởi hai con đường số 19 và 20 từ sông Vàm Thuật hướng về sân bay Tân Sơn Nhất, trên không trung là đường hạ cánh của máy bay. Mấy thế hệ người dân sống trong vùng này đã quen với tiếng động cơ vì cứ khoảng 10 phút có một chuyến bay.
Thế nhưng, trong ngày 29/11 và 9/12, hai ngôi nhà lợp ngói dưới phễu bay bỗng nhiên bị tốc mái đã làm nhiều người dân cư ngụ nơi đây cảm thấy bất an.
Mọi nghi ngờ đổ dồn vào những chiếc máy bay. Theo bà con, máy bay rất thấp, chỉ cần lướt qua mái, những viên ngói bốc lên cao, rơi lả tả xuống đất.
Người có nhà lợp ngói bị thiệt hại đã đành nhưng nếu không may những viên ngói đó rơi trúng một ai thì quả là tai họa.
Nhà ông Thuận vẫn chưa được sửa chữa. |
Ông Trần Văn Thuận, chủ nhân ngôi nhà 56/13 vừa bị tốc mái thuật lại: sáng 10/12, đại diện UBND phường 5 và Cảng vụ hàng không miền Nam đã đến nhà tôi xem xét hiện trạng.
“Một thành viên trong đoàn cho rằng có sự cố như trên là do lốc xoáy. Tôi đã phản bác lý lẽ này bởi thời điểm đó trời đang đứng gió. Mà lốc xoáy phải lốc từ xa, cuộn theo bụi mù và hốt gọn những gì trên đường lốc đi. Đằng này, khi máy bay vừa bay qua thì ngói nhà tôi rơi xuống, sao lại cho là do lốc xoáy?” - ông Thuận bức xúc.
Ông Thuận cho biết thêm, đây là lần thứ 3 nhà ông gặp nạn. Lần trước do không để ý bất chợt ông phát hiện trên mái có vài miếng ngói bong ra. Lần thứ 2, hàng chậu kiểng trên sân thượng ông rơi xuống đất khi vừa có một chiếc máy bay bay ngang. Và lần này thì chính ông đang tưới cây và chứng kiến vụ việc.
Ông nói: “Tôi không quan tâm đến thiệt hại vì cũng không có gì lớn, nhưng điều cần thiết là sự an toàn của bà con trong khu vực".
Sự cố gần đây?
Đa số người dân đều khẳng định hiện tượng này chỉ mới xuất hiện gần đây vì các chuyến bay đáp xuống ngày càng thấp. Mặc dù chiều cao của các căn nhà đã được khống chế khi xin phép xây dựng nhưng hiểm nguy vẫn đè nặng lên những ngôi nhà có mái lợp ngói.
Chuẩn bị tôn thay mái ngói. |
Trở lại căn nhà số 173/30/5 đường số 19 (trong sự cố tốc mái ngày 29/11 – P.V) hiện đang gấp rút hoàn thiện dàn khung lợp tôn trên mái…
Bà Đặng Thị Du, chủ ngôi nhà cho biết, sau khi sự cố xảy ra các cơ quan chức năng đã đến ghi nhận sự việc, tuy nhiên từ đó đến nay, đã gần nửa tháng trôi qua vẫn không thấy phản hồi gì.
Gia đình bà không thể lợp lại mái ngói đành phải chuyển sang lợp tôn để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, trả lời báo chí ông Bùi Văn Võ - Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục không nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ phía người dân về việc máy bay bay thấp làm tốc ngói nhà dân.
Toàn bộ mái ngói nhà bà Du đã gỡ xuống để thay tôn. |
Tuy nhiên qua báo chí, Cục đã kiểm tra hoạt động bay của tất cả các chuyến bay liên tục từ 8h đến 9h ngày 29/11 (thời điểm xảy ra tốc mái – PV), kết quả kiểm tra cho thấy có 23 máy bay bay qua khu vực Gò Vấp nhưng quỹ đạo bay bình thường.
Như vậy, nghĩa là các máy bay vô can trong các sự cố tốc mái vừa qua. Nhiều người dân bày tỏ, trời quang, mây tạnh, không gió lốc nhưng ngói vẫn bay, mà chỉ bay khi có máy bay bay ngang mà ngành hàng không cho là vô can thì không còn lý do nào để giải thích cho sự kiện này.
“Có lẽ phải đợi đến lúc có người tử vong thì mới tìm ra được nguyên nhân đầy bí ẩn này chăng?”, một người dân ngao ngán cho biết.
Theo Vietnamnet