|
Ngày 9/12, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đã chỉ đạo Công an thành phố Biên Hòa vào cuộc điều tra vụ người dân tham gia cướp bia xảy ra tại vòng xoay Tam Hiệp.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã làm việc với phía bị hại, công ty bảo hiểm để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại; lấy lời khai nhân chứng để củng cố hồ sơ. Được biết, công an xác định được một số người tham gia vụ cướp và thu hồi lại được một số bia.
Ý kiến nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, dấu hiệu hình sự về hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác thì đã rõ. Hành vi chiếm đoạt bia của các cá nhân diễn ra công khai, không được sự đồng ý của tài xế nên có dấu hiệu phạm tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản".
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu người tham gia cướp bia, chiếm đoạt số bia có tổng giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên là đã có dấu hiệu hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009.
Trong trường hợp cá nhân cướp bia chiếm đoạt tổng tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Trịnh Đức Duy (Đoàn luật sư TP.HCM) đồng tình với ý kiến, hành vi cướp bia có dấu hiệu của tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Duy cũng phân tích: “Mặc dù, giá trị số lon bia mà mỗi cá nhân lấy có thể dưới 2 triệu đồng nhưng tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là gần 400 triệu đồng. Như vậy, các cơ quan Nhà nước có thể vận dụng tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng (điểm d khoản 2 điều 137 Bộ luật Hình sự để xử lý). Bên cạnh thiệt hại về tài sản, hành vi cướp bia của những người này còn gây hậu quả phi vật chất: gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cũng cần lưu ý, khi bị ngăn cản, một số đối tượng đã sử dụng vũ lực để bằng mọi giá lấy được mấy lon bia. Hành vi này có dấu hiệu “hành hung để tẩu thoát”. Đây là một dấu hiệu của phạm tội có tổ chức đã được quy định trong Bộ luật Hình sự”.
Còn luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc cướp bia thể hiện lối ứng xử thiếu văn minh, đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người và cần phải xử lý nghiêm mới đủ tính chất răn đe, giáo dục.
Luật sư Út phân tích: Theo quy định tại điều 20 Bộ luật Hình sự, tất cả những người tham gia cướp bia đều là đồng phạm vì cùng thực hiện một hành vi phạm tội. Do là đồng phạm nên các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét trách nhiệm chung chứ không tách riêng từng cá nhân ra để xử lý. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 13.000 két bia, trị giá trên 300 triệu đồng là số tài sản bị chiếm đoạt hay thiệt hại của vụ án. Với số tài sản bị chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, người cướp bia sẽ bị xử lý hình sự ở khoản 3 điều 137 Bộ luật Hình sự về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản”, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
“Dù người nào chỉ lấy một lon bia cũng đủ yếu tố xử lý hình sự về tội này vì là đồng phạm và tổng tài sản bị thiệt hại là trên 300 triệu đồng. Vấn đề chiếm đoạt nhiều hay ít, một lon hay một thùng chỉ là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử mà thôi”, luật sư Út nêu ý kiến.
Ngoài ra, luật sư Út còn cho rằng, trách nhiệm chứng minh, truy tố tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là cơ quan điều tra. Nạn nhân hay bị hại chỉ cần có đơn tố cáo, khiếu nại chứ không cần thiết phải chỉ rõ hoặc trưng ra bằng chứng ai là người chiếm đoạt.
Theo Thanhnien