Nam Phi tổ chức lễ tưởng niệm lớn dành cho cố Tổng thống Nelson Mandela tại sân vận động ở Johannesburg. Ảnh: AP |
Lễ tưởng niệm bắt đầu vào buổi trưa (tối qua theo giờ Hà Nội) tại sân vận động FNB ở Soweto, một thị trấn ở Johannesburg từng ủng hộ phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid mà ông Mandela theo đuổi cả cuộc đời.
Sân vận động 95.000 chỗ ngồi được lấp đầy hai phần ba và buổi lễ mở màn với tiếng hát quốc ca. Những lời ca ngợi và tiếng cổ vũ vang khắp sân. Trời đổ mưa và gió rét nhưng mưa được xem là phước lành đối với những người Nam Phi da đen nên trời mưa càng khiến họ reo hò và ca hát những lời ca ngợi nhiệt tình nhất. Cả sân vận động nhiều lần hô vang: "Nelson Mandela muôn năm".
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma có bài phát biểu tại buổi lễ. Nhiều lãnh đạo thế giới và đại diện các hoàng gia cùng nhiều người nổi tiếng tới tham dự. Trên khán đài vang lên tiếng kèn vuvuzelas đặc trưng của Nam Phi và những bài hát từ thời đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid từ thập kỷ trước.
Phát biểu trong tiếng hò reo của những người theo dõi tại sân vận động, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Cuộc đấu tranh của ông là cuộc đấu tranh của chúng ta. Chiến thắng của ông là chiến thắng của chúng ta".
Obama mô tả Mandela là "người khổng lồ của lịch sử", đã đưa đất nước của ông đến với công lý và truyền cảm hứng cho thế giới. Khi Obama bước lên đài diễn thuyết, ông bắt tay với Chủ tịch Cuba Raul Castro, hai nước từng là địch thù thời Chiến tranh Lạnh.
Đây là cái bắt tay lịch sử thứ hai giữa nhà lãnh đạo hai nước kể từ năm 1960. Cái bắt tay lịch sử đầu tiên giữa Chủ tịch Cuba Fidel Castro và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton diễn ra tại Hội nghị Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tháng 9/2000.
Thabo Mbeki, cựu Tổng thống Nam Phi kế nhiệm Mandela, cũng được đám đông hò reo khi phát biểu. Tổng thống Pháp Francois Hollande và người tiền nhiệm, cũng là đối thủ của ông một thời, Nicolas Sarkozy, cùng đến một lúc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cúi chào đám đông và dành nhiều lời ca ngợi Mandela, người mà người dân Nam Phi coi là vị cha của đất nước.
Hàng chục nghìn người Nam Phi đội mưa tham dự lễ tưởng niệm Mandela. Bài ca ngợi của Tổng thống Mỹ Obama (màn hình lớn) nhận được tiếng hò reo của những người trong sân vận động. Ảnh: AFP. |
"Tôi sẽ không có cuộc đời ngày hôm nay nếu không có ông", Matlhogonolo Mothoagae, một nghiên cứu sinh có mặt tại sân vận động từ trước khi mở cửa rất lâu, nói. "Ông ấy đã bị giam để chúng tôi có được tự do".
Rohan Laird, 54 tuổi, giám đốc một công ty bảo hiểm, nói rằng là một người da trắng, ông lớn lên với một "vị trí đặc quyền", và Mandela giúp những người da trắng vượt qua được những mặc cảm tội lỗi.
"Sự hòa giải của ông cho phép người da trắng được giải thoát bản thân. Thực sự mà nói, tôi không nghĩ thế giới sẽ có được một người lãnh đạo nào khác như Nelson Mandela", Laird nói.
Vợ của ông Mandela, bà Graca Machel, và vợ cũ Winnie Madikizela-Mandela cũng có mặt tại sân vận động và ôm chào nhau trước khi diễn ra buổi lễ. Sự kiện còn có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng như nữ diễn viên Charlize Theron, siêu mẫu, "viên ngọc đen" Naomi Campbell và ca sĩ Bono.
Hôm qua cũng là kỷ niệm 20 năm ngày Mandela và F.W. de Klerk, vị Tổng thống cuối cùng của Nam Phi dưới chế độ Apartheid, nhận giải Nobel hòa bình. De Klerk ban đầu là đối thủ chính trị nhưng sau trở thành bạn với Mandela cũng tới tham dự buổi lễ.
Cố Tổng thống Nam Phi qua đời lúc 20h50 (giờ địa phương) ngày 5/12 ở tuổi 95, sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh phổi. Ông là biểu tượng của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, được nhiều nhà lãnh đạo, người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tôn kính và ngưỡng mộ.
Theo VNE