CNN dẫn lời giới chức Nam Phi cho biết, tang lễ nhà lãnh đạo quá cố sẽ diễn ra tại sân vận động FNB ở Johannesburg, nơi vị anh hùng dân tộc Nam Phi phát biểu lần đầu tiên sau khi ra tù. Sân vận động này có sức chứa khoảng 90.000 người, thấp hơn rất nhiều so với số người muốn tham dự tang lễ Tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Nam Phi.
Người dân Nam Phi nâng niu di ảnh của cố Tổng thống Mandela. Ảnh: CNN. |
Nhằm hạn chế ách tắc trong ngày tang lễ diễn ra, nhà chức trách cấm các phương tiện giao thông cá nhân trên những con đường xung quanh sân vận động. Chính phủ Nam Phi cũng huy động xe bus từ khắp đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ở khu vực tổ chức tang lễ. Các chuyến tàu được tăng cường nhằm phục vụ dòng người đổ về Johannesburg.
Theo dự kiến, 70 nguyên thủ trên khắp thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ dự đám tang Mandela. Vì thế, chính phủ Nam Phi sẽ phải tăng cường an ninh tối đa.
Hiện tại, chính phủ Nam Phi không tiết lộ kế hoạch đảm bảo an ninh nhưng số lượng cảnh sát, đặc nhiệm, chuyên gia vũ khí, chất nổ mà họ huy động sẽ rất lớn. CNN dự đoán số lượng lớn máy dò kim loại và khoảng 15.000 cảnh sát sẽ bảo vệ ở cửa ra vào và bên trong khán đài sân vận động.
Bên cạnh đó, chính phủ Nam Phi còn triển khai lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội - bao gồm đặc nhiệm, lính bắn tỉa và chó nghiệp vụ - để đảm bảo an ninh cho sân vận động. Trực thăng quân sự và phản lực chiến đấu sẽ phong tỏa bầu trời, giúp ngăn chặn những mối đe dọa từ không trung.
Tướng Xolani Mabanga, quan chức cấp cao của quân đội Nam Phi, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không để bất cứ ai hay bất cứ điều gì cản trở tang lễ và lễ an táng cố Tổng thống Mandela".
Giới chức Mỹ tỏ ra khá hài lòng với các biện pháp an ninh của Nam Phi.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề đáng quan ngại nào. Nam Phi từng tổ chức World Cup nên họ rất có kinh nghiệm ổn định đám đông dù tang lễ cố Tổng thống Mandela là sự kiện độc nhất trong lịch sử thế giới, với sự hiện diện của vài chục nguyên thủ và hàng chục nghìn người dân", các quan chức Mỹ nói.
Theo Tri thức