Vinmart+ đang thâm nhập vào từng ngõ ngách, khu phố |
Sau 2 ngày công tác xa nhà, quán cà phê ngay trước cửa nhà chị Hồng Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng thay tên đổi chủ thành siêu thị Vinmart+. Chị cho biết, đây là cửa hàng tiện lợi thứ 3 của tập đoàn này trong khu phố chị đang sống.
Việc siêu thị mini - cửa hàng tiện lợi len lỏi vào từng ngóc ngách, con phố nhỏ với tốc độ chóng mặt đã không còn là điều khiến chị Minh ngạc nhiên Thế nhưng, câu chuyện về việc cho thuê mặt bằng của người hàng xóm - chủ nhà đối diện lại khiến chị tò mò hơn.
Theo lời hàng xóm, mặt bằng mà VinGroup thuê của người hàng xóm có giá là 7 triệu đồng/tháng cho 30m3, 1 mặt tiền. Mức giá này cao hơn hẳn khi cho chủ quán cà phê thuê trước đó, gấp gần 2 lần.
Chị Minh cho biết, phần lớn các mặt bằng cùng diện tích, cùng dãy phố chỉ có giá thuê dao động 3-4 triệu đồng/tháng. Do khu phố đông dân nên mặt bằng chẳng khi nào để trống.
Câu chuyện của chị Minh không phải là cá biệt. Cách đó 200m, một cơ sở khác cùng diện tích, 2 mặt tiền cũng được Vingroup thuê với giá 9 triệu đồng/tháng.
Trong khi người hàng xóm nhà đối diện phấn khởi vì cho thuê được giá hời thì các chủ đại lý - những người hàng xóm khác của chị Minh lại tỏ ra hoang mang.
Chị Thanh, chủ hàng tạp hóa kế bên cho biết, bán hàng tạp hóa ngày càng khó khăn khi mua bán trên mạng rầm rộ. Các siêu thị lớn cạnh tranh với nhiều đợt giảm giá lớn, siêu thị mini cũng mọc lên như nấm sau mưa khiến lượng khách mua tại tạp hóa giảm hẳn.
Thực tế, tại TP.Hồ Chí Minh, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã bùng nổ từ 2 năm trở lại đây. Hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng đã xuất hiện như Circle K, Family mart và cả Vinmart+. Sự ra đời của những chuỗi cửa hàng tiện lợi mở 24/24 như Circle K đã làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của người dân Sài thành.
Câu chuyện ở Hà Nội có đôi chút khác biệt. Circle K đã có mặt tại đây, nhưng vẫn mở ra ở rất ít các địa điểm có vị trí đẹp như trong phố cổ, với mục đích thăm dò thị trường là chính. Thay vào đó, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ vẫn đóng vai trò chủ chốt khi người dân có nhu cầu mua ít mỳ tôm hay bánh kẹo, bàn chải,...
Chỉ có Vinmart+ là mở rộng ào ạt tại Hà Nội. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này len lỏi vào từng ngõ ngách và dần trở thành đối thủ đáng gờm cho những cửa hàng tạp hóa. Với ưu thế về thương hiệu, đóng cửa khá muộn, bán cả thực phẩm tươi, cộng thêm giá cả niêm yết rõ ràng, Vinmart+ cũng đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Thủ đô.
Các chủ hàng tạp hóa rõ ràng không vui vẻ gì khi gặp phải một đối thủ hùng mạnh. Chị Thanh cho biết, đặc trưng bán tạp hóa là tích tiểu, bởi giá sản phẩm rất nhỏ. Lãi lời chủ yếu từ bán sản phẩm tặng kèm hoặc hàng khuyến mại. Xu hướng mua sắm của người dân là săn các chương trình khuyến mại, giảm giá nên nhu cầu mua sắm tạp hóa ít hơn.
"Giá cả ngày càng leo thang khi người dân luôn muốn mua hàng rẻ khiến nhiều sản phẩm khó tiêu thụ, chưa kể rủi ro xử lý hàng tồn. Nhiều khả năng tôi phải nghiên cứu kinh doanh sản phẩm khác", chị Thanh cho hay.
Dù xu hướng chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại được các chuyên gia đánh giá là tất yếu, nhưng thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi này diễn ra rất chậm. Nguyên nhân một phần đến từ việc Việt Nam có những rào cản chặt chẽ để bảo hộ cho ngành bán lẻ, khiến các nhà bán lẻ nước ngoài khó có thể nhảy vào.
Trước Vinmart+, cũng không có nhà bán lẻ trong nước nào đủ nguồn lực để triển khai một mô hình tới cả nghìn cửa hàng trên cả nước như vậy. Kể cả một số chuỗi nước ngoài tham gia vào thị trường thông qua liên doanh như Phú Thái - Familymart, G7 - Ministop cũng thất bại thảm hại.
Tuy nhiên, cuộc chơi đã thay đổi rất nhanh khi Vingroup đổ tiền vào bán lẻ. Tính đến hết năm 2015, Vinmart+ đã có tới 650 điểm bán trên toàn quốc, trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, con số này sẽ tăng lên thành 3.000 và mảng bán lẻ sẽ ngày càng đóng góp vị trí quan trọng bên cạnh những lĩnh vực kinh doanh khác.
Quá trình mở rộng khiến chuỗi bán lẻ này chịu thua lỗ. Mặc dù vậy, mức lỗ này chưa thấm vào đâu so với những gì tập đoàn này đã gây dựng được trên thị trường.
Quay trở lại chuyện buồn của chị Thanh. Là một chủ tạp hóa lâu năm, chị chắc hẳn sẽ cảm thấy buồn. Trong cuộc chơi với đại gia như Vingroup, những cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ truyền thống trăm năm kia đang dần đánh mất những lợi thế cuối cùng.
Mặc dù vậy, có lẽ hầu hết người tiêu dùng chẳng mấy quan tâm đến nỗi buồn của chị Thanh, khi nhu cầu của họ ngày càng được đáp ứng trọn vẹn.
Theo Trí Thức Trẻ