Mức phí cao là nguyên nhân chính khiến tài xế xe tải “tẩy chay” cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Đường tỉnh oằn mình “cõng” xe tải
Thay vì đi trên cao tốc hoặc QL5 để lưu thông theo lộ trình Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại, thời gian qua nhiều phương tiện, đặc biệt là xe tải và container đã vòng vào các tuyến đường địa phương để “né” trạm thu phí BOT. Với hướng từ Hà Nội đi Hải Phòng, khảo sát lộ trình “né” trạm thu phí BOT của xe tải, PV Tiền Phong ghi nhận, sau khi qua cầu Thanh Trì nhiều xe tải đã rẽ vào tỉnh lộ 179, sau đó chạy thẳng đến QL39A - QL38B - QL10 để chạy qua Hưng Yên, Hải Dương. Với lộ trình Hải Phòng - Hà Nội, xe tải chạy theo hướng: QL10 - đường 391 - đường nội thành thành phố Hải Dương - QL5 (đoạn Hà Nội).
Anh Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải Anh Cường, có xe chở khách chạy tuyến Đồ Sơn - Hà Nội cho biết, do có lộ trình cố định nên xe khách của doanh nghiệp không thể chạy “né” đường BOT. Do vậy, với mỗi lượt xe đi và về, anh phải chi 640.000 đồng (320.000 đồng/lượt) cho tài xế trả phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Với 6 xe khách đang có, mỗi ngày doanh nghiệp này phải chi hơn 3,8 triệu đồng, mỗi tháng là 115 triệu đồng để trả phí đường BOT. “Số tiền này tương đương số tiền nhiên liệu, khiến hoạt động của đơn vị chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”, anh Toàn nói.
Theo khảo sát, đường tỉnh 391 (Hải Dương) là tuyến đường đang có lượng xe tải “né” trạm thu phí BOT đi vào đông nhất. Đường chỉ rộng 8m và không có dải phân cách giữa, dọc hai bên đường là nhà dân và nhiều trường học, mật độ người tham gia giao thông đông đúc. “Gần đây xe tải đi vào tăng gấp nhiều lần và chạy thường xuyên cả ngày và đêm, ngoài phá hỏng mặt đường, xe tải còn gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng”, anh Lê Đình Giang, người dân ở thị trấn Tứ Kỳ, nói.
Với tuyến QL1A đoạn qua các huyện ngoại thành Hà Nội như Thường Tín, Phú Xuyên… cũng đang bị “băm nát” khi có nhiều xe tải chạy vào để né các trạm thu phí trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra gần 10 vụ tai nạn có thiệt hại về người do liên quan xe tải, con số này tăng gấp đôi so với 5 tháng trước khi đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thu phí. Tại tỉnh Bắc Ninh, các tuyến tỉnh lộ như 295, 295B, 286… cũng đang trở thành những tuyến đường xe tải “chạy trốn” các trạm thu phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên tỉnh tại Hải Dương đang bị xe tải “né” trạm thu phí BOT “xé rách” |
Địa phương “kêu cứu”
Trao đổi với PV về lượng xe tải trên các tuyến tỉnh lộ tăng cao, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, nguyên nhân chính là do mức phí trên QL5 và cao tốc do nhà đầu tư BOT thu quá cao. Theo ông Long, lượng phương tiện ở nhiều tuyến đường địa phương đã tăng gấp nhiều lần, riêng đường tỉnh 391 tăng gấp 10 lần so với các năm trước đây.
“Khi tiến hành đếm lưu lượng xe trên đường tỉnh 391, chúng tôi thấy rằng, mỗi ngày tuyến đường có 9.731 xe/ngày, trong đó container 1.458 xe. So với thiết kế mặt đường, lượng phương tiện này đã tăng gấp hơn 3 lần, riêng xe contaiter trên đường tỉnh 391 chiếm khoảng 50% lưu lượng xe chạy trên lộ trình Hà Nội - Hải Phòng”, ông Long nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, tình trạng trên đã làm cho giao thông trên đường tỉnh 391 và đường nội thị thành phố Hải Dương diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, các tuyến đường trên đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết và 1 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 3 vụ, tăng 4 người chết, 1 người bị thương.
Cùng với đó làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường do vượt quá lưu lượng thiết kế. “Việc các phương tiện đi vòng tránh các trạm thu phí cũng đồng thời không phát huy được hiệu quả khai thác dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Long nêu thực tế.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để sớm giải quyết vấn đề gia tăng tai nạn giao thông, gây hư hỏng công trình và bức xúc của người dân, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản số 1026 gửi Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan, như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) có phương án giảm cước phí hai tuyến đường nêu trên để thu hút lại lượng phương tiện như trước. |
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để sớm giải quyết vấn đề gia tăng tai nạn giao thông, gây hư hỏng công trình và bức xúc của người dân, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản số 1026 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan, như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) có phương án giảm cước phí hai tuyến đường nêu trên để thu hút lại lượng phương tiện như trước.
“Việc tăng phí để bảo đảm thu hồi vốn theo thời gian đề nghị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để có lộ trình hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải”, ông Thái nhấn mạnh.
Với tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, tuyến đường được nhà đầu tư (Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang) đưa vào thu phí khi đoạn đi qua Bắc Ninh chưa có đường dành riêng cho xe máy. Như vậy về cơ bản tuyến đường vẫn chưa hoàn thành.
Để đảm bảo an toàn giao thông và người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải làm quen dần với quốc lộ chuyển thành đường cao tốc, địa phương có kiến nghị xem xét thời gian thu phí cho phù hợp nhưng nhà đầu tư vẫn thu phí từ ngày 25/5 vừa qua. Việc tuyến đường vẫn tồn tại ô tô đi chung với xe máy là rất nguy hiểm, cùng với đó tình trạng xe tải đi vào đường địa phương để tránh trạm thu phí khá phổ biến. Sở GTVT Bắc Ninh đang tham mưu cho UBND tỉnh có các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo về việc này.
Bộ Tài chính muốn điều chỉnh, nhà đầu tư kêu khó
Trước thực trạng nhiều địa phương, doanh nghiệp vận tải kêu phí BOT đắt đỏ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ ngành liên quan trong năm nay không tăng giá tại các trạm phí BOT. Với kiến nghị của UBND tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT phải có trách nhiệm giải quyết.
Chiều 3/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau khi tỉnh Hải Dương có kiến nghị, Bộ đã có văn bản số 5531 trả lời cụ thể. Theo đó, với hai trạm thu phí trên QL5, việc điều chỉnh giảm mức thu phí sẽ đồng nghĩa với điều chỉnh phương án tài chính dự án. Do vậy Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam nghiên cứu kiến nghị của địa phương, đề xuất điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp với quy định. Đối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính cho rằng, do cơ chế đặc thù nên Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam tự quyết định việc thu phí.
Cho biết quan điểm về các nội dung trên, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, mức phí tuyến đường đang thu đã được liên Bộ Tài chính - GTVT chấp thuận để nhà đầu tư hoàn vốn. Thực tế với lưu lượng phương tiện hiện nay chưa được đảm bảo ổn định nên nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn trong quá trình hoàn vốn. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, mức phí 2.000 đồng/km xe con và 7.000 đồng/km với xe tải lớn trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng mà Tổng công ty vừa tăng sẽ được giữ ổn định cho đến hết hợp đồng.
Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang - nhà đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang cho rằng, mức phí 35.000 đồng/lượt xe con và 200.000 đồng/lượt xe tải lớn, nhà đầu tư đang thu là mức thấp nhất trong các mức mà liên Bộ Tài chính - GTVT đã chấp thuận. Do vậy, nhà đầu tư không thể giảm được nữa. Riêng với đoạn cao tốc qua Bắc Ninh ô tô còn chạy chung đường với xe máy, đại diện Cty BOT Hà Nội - Bắc Giang cho rằng, nhà đầu tư đang làm việc với tỉnh để thống nhất phương án sẽ phân luồng cho xe máy đi ra QL1 cũ.
Các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải cũng cầu cứu Thủ tướng
Trước việc phí qua các trạm BOT quá cao, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hiệp hội cho rằng, Nhà nước nên xem xét lại giá phí đường BOT, cự ly các trạm BOT để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và đúng với quy định hiện hành. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thu phí để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, giảm chi phí vận tải khi phải dừng lại nhiều trạm BOT. Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng đề nghị Thủ tướng cần xem xét lại giá cước vận tải cho tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo các DN này, mức phí áp dụng cho toàn tuyến hiện nay là quá cao, ảnh hưởng lớn tới chi phí của DN, đặc biệt là các DN kinh doanh dịch vụ vận tải. Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình cho rằng, Bộ GTVT cần xem xét lại phí đường bộ vì quá cao. Đoạn đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ có 105 km mà có tới 4 trạm thu phí; có đoạn vừa mới đầu tư phủ thêm lớp nhựa nhưng đã thu phí cao như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, mức phí 45.000 đồng đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống. |
Theo Tiền Phong