Theo các doanh nghiệp thuộc Vasep, tổng mức chiết khấu thị ở siêu thị nội khoảng 10%, nhưng tất cả các hệ thống siêu thị nước ngoài thì mức chiết khấu là 10-30%. Trong tình hình kinh doanh hiện tại, dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xếp hàng để đưa hàng hóa vào, vô hình chung đã trao cho họ quyền lực lớn để phán quyết.
Mặc dù siêu thị không phải là kênh phân phối chính, nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì để phân phối hàng hóa ở những kênh truyền thống vô cùng khó khăn, nên đưa hàng vào siêu thị vẫn là phương án hàng đầu. Khi doanh nghiệp mới chập chững kinh doanh thì kênh siêu thị là cứu cánh duy nhất, bởi khai phá kênh truyền thống còn phức tạp hơn nhiều.
Khó khăn thứ hai là tiềm lực của kênh bán lẻ ngoại quá lớn, trong khi đó bán lẻ của Việt Nam quá rời rạc, mạnh ai nấy làm.
Doanh nghiệp nội đang đưa mình vào thế khó khi dễ dàng thỏa hiệp với mức chiết khấu cao. Ảnh minh họa: LĐ |
Đại diện một doanh nghiệp thủy sản bức xúc: “Thậm chí việc đưa hàng vào các siêu thị ngoại mức chiết khấu phải lệ thuộc vào việc đối chiếu với tỷ lệ và quy mô của các đơn vị vào trước. Ví dụ như khi doanh nghiệp A đưa hàng vào thì siêu thị, đối chiếu với doanh nghiệp B có quy mô lơn hơn vào trước với mức 15%, nên siêu thị cho rằng doanh nghiệp A phải chịu mức 16% vì quy mô nhỏ hơn và là doanh nghiệp mới".
Tuy nhiên thực tế không phải đơn giản với khung chiết khấu nhẹ như vậy, bởi vì mức chiết khấu tăng dần từng năm cơ bản nhất vẫn là mỗi năm lên 1%. Có một nghịch lý là doanh nghiệp càng gắn bó với siêu thị thì chiết khấu lại càng cao, sau khoảng 10 năm đưa hàng vào mức chiết khấu có thể lên đến 30%. Tuy nhiên, lỗi này cũng do doanh nghiệp trong nước một phần.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Saigon Food, rất nhiều doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị là doanh nghiệp xuất khẩu, nên coi thị trường trong nước là nhỏ lẻ, làm thêm để quảng bá thương hiệu. Từ đó dẫn đến việc không quan tâm, không đầu tư nên thay vì bỏ tiền ra làm marketing thì lại chấp nhận mức chiết khấu cao này để vào được siêu thị quảng bá.
Chính suy nghĩ đó đã đẩy mặt bằng chiết khấu lên rất cao và duy trì liên tục trong một thời gian dài.
“Thực sự hiện nay nhiều doanh nghiệp nhận được mức chiết khấu thấp có lẽ chỉ dựa vào sư đồng cảm của siêu thị nội. Một bên thiếu kinh nghiệm, một bên thiếu tiềm lực tài chính, nên họ thông cảm và chia sẻ cho nhau. Nhưng không hiểu sao đến nay sợi dây liên kết này vẫn chưa phát huy tối đa và sự liên kết này vẫn là bài toán rắc rối, ", bà Lâm chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Quy hoạch đến năm 2020, có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Tuy nhiên nhìn vào cán cân doanh thu qua từng năm thì doanh nghiệp ngoại luôn thể hiện được sự vượt trội. Như vậy mức chiết khấu cao cũng là yếu tố đóng góp không nhỏ vào cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp ngoại.
Các nhà bán lẻ ngoại như Metro, BigC, Aeon, Lotte, Emart… hiện chiếm 53% doanh thu thị trường bán lẻ hiện đại. Mặc dù không mở rộng nhiều chi nhánh như các doanh nghiệp nội, nhưng mức doanh thu của các nhà bán lẻ ngoại luôn duy trì ở mức cao.
Cụ thể, Metro đang có doanh thu 13.000 tỷ đồng, BigC cũng có mức tương tự 13.000 tỷ đồng, Aeon Mall là 6.000 tỷ đồng, Lotte 5.000 tỷ đồng… Trong khi đó các doanh nghiệp nội cũng chỉ có Saigon Co.op và VinMart là đối trọng với lần lượt doanh thu là 26.000 và 8.000 tỷ đồng. Nhưng việc sở hữu quá nhiều siêu thị nên chi phí để duy trì cũng đang chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp nội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại, dù những con số thống kê đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng niềm tin về việc giành lại thị trường của doanh nghiệp nội là không đáng bi quan.
"Ở các thị trường mới phát triển, quá trình xâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài thường qua 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 là nhà bán lẻ ngoại lấn át, đến giai đoạn 4, nhà bán lẻ nội địa bừng tỉnh, liên kết lại với nhau và vượt lên làm chủ. Và hy vọng thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ đi đến giai đoạn thứ tư nếu có sự đồng thuận và liên kết cao của các doanh nghiệp", ông Hòa nói.
Theo Zing