Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Trịnh Xuân Thanh được dư luận chú ý gần đây sau khi bị phát hiện nhiều bất thường khi dùng xe sang tư nhân nhưng gắn biển xanh (biển kiểm soát dành cho các cơ quan hành chính). Bên cạnh những khúc mắc khác liên quan đến cơ chế điều chuyển ông Thanh về địa phương, trách nhiệm của cá nhân này với tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng là một trong những nội dung được báo chí phản ánh và đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan làm rõ.
Trước đó, trong giai đoạn 2009-2013, ông Thanh còn được biết tới với tư cách Phó tổng giám đốc PVC, sau đó là Chủ tịch đơn vị này. Bản thân hoạt động kinh doanh của PVC khi ông Thanh đứng đầu có nhiều điểm đáng chú ý.
PVC gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo. |
Trước năm 2011, Tổng công ty Xây lắp dầu khí là một trong những tổng công ty làm ăn hiệu quả, có lãi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), song đà đi lên này không được duy trì sau đó. Đỉnh điểm khó khăn đối với doanh nghiệp đến vào năm 2012, khi PVC bắt đầu ghi nhận những khoản lỗ lớn.
Dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, đơn vị này đã dành tới 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và "mắc cạn" trong nợ nần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PVC, do không có nguồn việc mới nên sản lượng, doanh thu của tổng công ty năm 2012 giảm nghiêm trọng. Việc "đặt cược" vào các công ty con, công ty liên kết cũng gây thất vọng, thậm chí khiến PVC có thêm gánh nặng khi các đơn vị này thua lỗ kéo dài.
Đơn cử tới hết năm 2012, Công ty liên kết PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng; PVC – Sài Gòn lỗ 85,8 tỷ đồng... Vì thế, lợi nhuận sau thuế 2012 của PVC âm 1.847 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỷ đồng. Cũng trong năm này, PetroVietnam đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của PVC, giúp doanh nghiệp này thoát cảnh thâm hụt dòng tiền.
Sang năm 2013, tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa hơn. PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy thua lỗ, mất cân đối dòng tiền, lỗ gần 2.230 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.623 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.850 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của tổng công ty cũng liên tục âm trong 2 năm 2012 và 2013. Năm 2012, ROE của PVC âm tới 46,99% và tăng lên gấp gần 4 lần (-150,09%) chỉ sau đó một năm.
Sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ lên 4.000 tỷ đồng vào cuối 2012, PVC đã dành gần 3.371 tỷ đồng (tương đương 85,72% vốn điều lệ) góp vào các công ty con, công ty liên kết. Đã có tổng cộng 16 công ty con, 13 công ty liên kết được PVC rót vốn, bên cạnh 15 đơn vị được xác định là đầu tư tài chính dài hạn.
Báo cáo kết quả kinh doanh 2013 của tổng công ty ghi nhận có công ty con rơi vào cảnh không có hợp đồng, không có việc làm cho người lao động… Điều này đã càng “bồi thêm” khó khăn cho PVC. Doanh nghiệp khi ấy rơi vào tình thế mất cân đối dòng tiền do công nợ phải thu quá lớn; tài chính phụ thuộc từ vay nợ, phát hành cổ phiếu bổ sung để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.
Trước khi ông Trịnh Xuân Thanh chuyển sang làm công chức tại Bộ Công Thương (tháng 9/2013), PVC đã ghi nhận khoản lỗ luỹ kế đến hết năm 2013 là 3.075 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn gần 1.500 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của PVC ở thời điểm đó đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thanh khoản do tổng tài sản ngắn hạn không đủ bù đắp cho các khoản phải trả trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Đường thăng tiến của Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và báo cáo tài chính công ty mẹ 2015, doanh nghiệp này vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Dù ghi nhận khoản lãi 22,7 tỷ đồng sau thuế, nhưng tổng dư nợ vay vốn của các đơn vị có bảo lãnh của PVC đến 31/12/2015 là 288,23 tỷ đồng, chưa bao gồm 91,36 tỷ đồng đã bị các ngân hàng siết nợ... Sau giai đoạn nêu trên, các lãnh đạo mới của PVC đã nỗ lực tái cơ cấu, nhưng khó khăn vẫn chưa ngừng đeo bám. Tổng công ty này đạt doanh thu 8.938 tỷ đồng năm 2014, song phải dành gần 1.747 tỷ đồng để bù đắp các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ, thoái vốn tại các công ty con, chưa kể khoản phải trả cho nợ ngắn hạn, dài hạn khác...Vì thế lợi nhuận sau thuế 2014 chỉ đạt10,3 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX của PVC được niêm yết từ năm 2009, song có tới 2 năm liền (2012 – 2013), PVX bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan.
Suốt gần 7 năm được niêm yết, duy nhất ở giai đoạn đầu PVX được giao dịch trên mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu, sau đó mã cổ phiếu này luôn được giao dịch dưới mệnh giá. Từ đầu năm 2016 đến nay, mức giá giao dịch phổ biến của mã PVX là dưới 3.000 đồng. Đặc biệt, sau những thông tin bê bối về cựu lãnh đạo của PVC, giá giao dịch của PVX càng rớt, xuống còn 2.500 đồng một cổ phiếu.
Mất cân đối dòng tiền trong thời gian dài khiến PVC không thể hoàn thành việc đầu tư vào các dự án trọng điểm.Vốn được tự hào là một trong những dự án đầu tư mũi nhọn của PVC dưới thời nguyên Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, nhưng trong suốt 4 năm (2012 - 2016) dự án Khu công nghiệp Soài Rạp (Tiền Giang) hầu như không nhúc nhích.
Vì thế, trong một chỉ đạo hồi tháng 1/2016, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí khẩn trương thực hiện chuyển giao dự án này sang đơn vị khác quản lý, đầu tư, xây dựng. Đồng thời cũng yêu cầu PetroVietnam giải quyết dứt điểm nghĩa vụ tài chính liên quan đến PVC tại dự án này, kiểm toán giá trị dự án bàn giao trước khi chuyển giao cho UBND tỉnh Tiền Giang quản lý, sử dụng.
Trước đó, tháng 1/2014, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu PetroVietnam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ, gây khó khăn cho tập đoàn của PVC.
Trong khi trách nhiệm của người đứng đầu khiến PVC rơi vào thua lỗ, mất vốn chưa được làm sáng rõ, ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời ghế lãnh đạo doanh nghiệp, chuyển ngạch sang làm công chức.
Tháng 9/2013, ông Thanh được Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm vào vị trí Phó chánh văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ này tại Đà Nẵng. Sau đó 5 tháng, ông Thanh tiếp tục được bổ nhiệm vào chức vụ Vụ trưởng – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương), trước khi được luân chuyển về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang từ tháng 5/2015.
Liên quan tới công tác bổ nhiệm, tổ chức và điều chuyển cán bộ từ công ty con của PetroVietnam về Bộ, ông Đào Văn Hải - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ này sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban Kiểm tra trung ương về trường hợp của ông Thanh. “Ủy ban Kiểm tra trung ương cùng các cơ quan, địa phương liên quan sẽ tổ chức việc kiểm tra, kết luận. Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan liên quan sẽ có báo cáo chi tiết về trường hợp này”, vị này nói.
Theo VnExpress