Khởi đầu với phiên bản thử nghiệm vào tháng 6 năm 2015, Shopee cho phép người dùng mua và bán chỉ trong vòng 30 giây. Với thiết kế phù hợp với văn hóa khu vực Đông Nam Á, Shopee kết hợp sự thân thiện đặc thù của một sàn thương mại điện tử giữa các cá nhân (C2C) với các giải pháp thanh toán và vận chuyển để giúp việc mua bán trực tuyến trở nên dễ dàng, an toàn và thuận tiện hơn.
Shopee hiện là ứng dụng được phát triển cùng lúc tại 7 quốc gia: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Đài Loan với hơn 16 triệu lượt tải và 46 triệu sản phẩm được bày bán.
Trao đổi với PV, ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee cho biết, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử trọng điểm của Shopee tại khu vực Đông Nam Á. Theo khảo sát của WeAreSocial , 93% dân số Việt Nam có thể tiếp cận các thiết bị di động, trong đó có ít nhất 55% người sử dụng điện thoại thông minh.
Khoảng 23% người dùng thực hiện các hoạt động mua bán trực tuyến thông qua smartphone. Điều này thể hiện Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử trên nền tảng di động. “Riêng với Shopee, trước khi ra mắt, chúng tôi đã thử nghiệm ứng dụng suốt 15 tháng ròng rã và nhận được kết quả hết sức ấn tượng. Tính tới tháng 7/2016, ứng dụng Shopee tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 1,8 triệu lượt tải và hơn 3 triệu sản phẩm đăng bán tại thị trường này. Đó chính là lý do Shopee chọn thời điểm này để ra mắt”.
Giới thiệu về Shopee, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc Vận hành và Tài chính của Shopee Việt Nam cho biết, với nhiều sản phẩm chọn lọc, phương thức thanh toán an toàn, dịch vụ giao hàng trọn gói tận nơi, cùng những tính năng mạng xã hội nổi bật như #Hashtag, Live Chat, và kết nối dễ dàng với các mạng xã hội, Shopee giúp các cá nhân khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp của mình. Các công cụ bán hàng tích hợp cho phép người bán quảng bá sản phẩm, quản lý hàng tồn kho, và tăng cường sự gắn kết với khách hàng.
Để đánh dấu sự ra mắt chính thức của Shopee tại Việt Nam, Shopee sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển cho người bán từ ngày 8/8 đến ngày 9/9/2016. Đặc biệt, trong ngày 9/9, Shopee mang đến cơ hội trải nghiệm dịch vụ mua bán trên di động lớn nhất với hàng loạt các chương trình khuyến mãi và giảm giá lớn, cho phép người dùng thoả sức mua bán với sự hỗ trợ tối đa từ nền tảng ứng dụng.
Trả lời câu hỏi đâu là sự khác biệt của Shopee so với các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Shopee chọn phát triển ứng dụng trên di động vì tính xã hội và tương tác cao hơn như tích hợp các chức năng Chat trực tiếp giúp người mua và người bán tương tác tốt hơn. Ngoài ra, Shopee còn có tính năng hashtag cho phép người dùng dễ dàng khám phá những xu hướng mới nhất cũng như những chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Trên ứng dụng cũng cung cấp chức năng “Dạo” giúp người dùng theo dõi những cập nhật mới nhất từ những người bán yêu thích cũng như những người bán được gợi ý bởi Shopee. Với người bán, Shopee cung cấp tính năng Đẩy sản phẩm (boost) giúp người bán đăng sản phẩm của mình được nổi bật hơn và quan trọng nhất là phản hồi Chat giúp người dùng biết mức độ phản hồi của người bán (VD: Tỷ lệ phản hồi: 93%, Thời gian phản hồi: Trong vòng vài giờ)… giúp người bán có thể điều chỉnh giá, phương thức tiếp thị, cách thức hậu mãi…
Mặt khác, để khắc phục việc người mua muốn trả lại sản phẩm không ưng ý sau khi nhận hàng thực tế, Shopee sẽ giữ khoản thanh toán trong 3 ngày mới chuyển lại cho người mua và chỉ chuyển lại cho người bán sau khi có xác nhận về việc ưng ý với sản phẩm đặt mua.
Trong phần trả lời giới truyền thông của Việt Nam, đại diện Shopee đều không trả lời về nguồn thu giúp duy trì vận hành Shopee trong giai đoạn khuyến mại như hiện nay, nhưng qua tìm hiểu của PV được biết, Shopee là thành viên của tập đoàn Garina (đăng ký kinh doanh tại Singapore) nhưng hiện đang đầu tư phát triển trò chơi trực tuyến và phát triển thương mại điện tử.
Đồng thời, theo phân tích của một chuyên gia thương mại điện tử, nếu để ý kỹ sẽ thấy lợi nhuận của Shopee đến từ hai yếu tố: Thứ nhất là tích hợp và nắm giữ được dữ liệu nhân thân và thanh toán của cả người mua và người bán. Thứ hai, việc giữ lại chi phí thanh toán trong 3 ngày với một sản phẩm thì là số nhỏ, nhưng với đơn vị triệu sản phẩm thì con số này rất lớn và nếu thanh toán qua ngân hàng và đưa về các tài khoản thì riêng lãi suất từ khoản tiền này cũng đã là một nguồn lợi không nhỏ.
Đó là chưa kể nếu phân tích về bài toán tài chính, Shopee không cam kết không thu phí người mua và người bán, chỉ nói là chưa, nên về lâu dài, khi chợ đã đông, điều khoản của nhà quản lý chợ sẽ thay đổi, chưa kể còn nhiều nguồn thu khác như quảng cáo trực tuyến… nói cách khác, trong bối cảnh nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam phải đóng cửa vì thiếu vốn, thì việc Shopee ra mắt sàn mới với phương thức kinh doanh linh hoạt cũng là điều dễ hiểu.
ở góc độ tích cực, người tiêu dùng có thêm kênh để chọn lựa mua sắm với giải pháp an toàn hơn. Ở góc độ doanh nghiệp, thêm kênh bán hàng nhất là các DN quy mô nhỏ và vừa vốn không có nhiều chi phí cho việc tiếp thị thì Shopee sẽ là một giải pháp cần tính đến.
Theo Báo Đầu Tư