Ông Tony Ngô – đồng sáng lập Top Mốt chia sẻ về trang thương mại điện tử của hãng |
Với Top Mốt, đây là mạng bán hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam kinh doanh theo hình thức flash sales. Thương hiệu này cho biết, đây là một hình thức kinh doanh với nhiều ưu điểm và đem lại lợi ích cho cả người mua hàng và người bán hàng.
Cụ thể, cứ 10h sáng mỗi ngày, Top Mốt sẽ tung các sản phẩm mới với mức giảm giá lên đến 50%, mỗi mặt hàng chỉ được bán tối đa trong 5 ngày, các đợt sales có thể kết thúc sớm hơn dự kiến nếu các sản phẩm hết hàng. Và thực tế các sản phẩm “hot” luôn được bán hết chỉ sau vài giờ từ lúc mở bán.
Đáng chú ý, Top Mốt được dẫn dắt bởi những người có kinh nghiệm về thương mại điện tử như ông Erik Jonsson – Giám Đốc Điều Hành kiêm nhà đồng sáng lập (cựu CEO Zalora Việt Nam) và ông Tony Ngô – đồng sáng lập.
Thương hiệu này cũng cho biết, mới đây đã hoàn tất vòng huy động vốn trị giá 1 triệu USD. Vòng huy động vốn này có sự tham gia của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử tại Châu Á, Châu Âu và thị trường Mỹ.
Đại diện Shopee chia sẻ về ứng dụng |
Trong khi đó, Shopee là sàn thương mại điện tử và mạng xã hội trên di động mới khác vừa ra mắt tại Việt Nam vào ngày 8/8 vừa qua.
Khởi đầu với phiên bản thử nghiệm vào tháng 6 năm 2015, Shopee cho phép người dùng mua và bán chỉ trong vòng 30 giây.
Đại diện từ Shopee cho biết, họ thiết kế ứng dụng phù hợp với văn hóa khu vực Đông Nam Á, kết hợp sự thân thiện đặc thù của một sàn thương mại điện tử giữa các cá nhân (C2C) với các giải pháp thanh toán và vận chuyển để giúp việc mua bán trực tuyến trở nên dễ dàng, an toàn và thuận tiện hơn.
Shopee hiện là ứng dụng mua bán hàng đầu tại 7 quốc gia: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Đài Loan với hơn 16 triệu lượt tải và 46 triệu sản phẩm được bày bán.
Shopee nhận định Việt Nam là thị trường thương mại điện tử trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Theo khảo sát của WeAreSocial, 93% dân số Việt Nam có thể tiếp cận các thiết bị di động, trong đó có ít nhất 55% người sử dụng điện thoại thông minh. Khoảng 23% người dùng thực hiện các hoạt động mua bán trực tuyến thông qua smartphone. Điều này thể hiện Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử trên nền tảng di động.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc Vận hành và Tài chính của Shopee Việt Nam chia sẻ: “Với dân số trẻ và ưa chuộng công nghệ, Việt Nam chắc chắn là thị trường tiềm năng của Shopee. Chúng tôi mong muốn phát triển thương mại qua di động và mạng xã hội trên một nền tảng công nghệ vững chắc, những giải pháp tiên tiến, và các dịch vụ giúp ích cho người sử dụng. Chúng tôi hy vọng có thể giúp thương mại điện tử tại Việt Nam đạt được đúng tiềm năng và trở nên cạnh tranh hơn trong khu vực.”
Tính tới tháng 7 năm 2016, ứng dụng đã ghi nhận hơn 1,8 triệu lượt tải và hơn 3 triệu sản phẩm đăng bán tại thị trường này. “Việt Nam đang thể hiện tiềm năng trở thành thị trường thương mại điện tử trọng điểm với Shopee. Nhờ có Shopee, người bán có thể dễ dàng tiếp cận thêm nhiều người mua với chi phí cực thấp, và người mua có thêm vô vàn sự lựa chọn đa dạng ngay trong tầm tay mình.” ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam khẳng định.