Cùng với việc chậm tiến độ nhiều năm, dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công còn đội giá thêm 7.100 tỷ đồng. |
Đuổi lãnh đạo tổng thầu vẫn mịt mù ngày về đích
Khởi công năm 2011 và được kỳ vọng sau 4 năm thi công, đến năm 2015 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sẽ giúp vận tải công cộng Thủ đô đáp ứng từ 35 đến 40% nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc là Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt mới thi công được trên 70% khối lượng công việc. Ngoài vỡ tiến độ và chưa biết ngày nào về đích, hiện dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn bị đội giá thêm 62% so với mức tổng đầu tư.
Tìm hiểu nguyên nhân đội vốn, PV được biết, dự án bị chậm tiến độ dẫn đến trượt giá; cùng với đó có tới 9 hạng mục của dự án phải thay đổi thiết kế so với thiết kế ban đầu. Lý giải về các hạng mục phải thay đổi thiết kế, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, trong các hạng mục trên có việc thay đổi thiết kế hệ thống nhà ga từ 2 lên 3 tầng; thay đổi vỏ tàu từ thép sang inox; bổ sung hạng mục đường tránh QL6…
Tháng 3/2015 Bộ GTVT đã họp và quyết định thay thế lãnh đạo tổng thầu và đưa ra mức thời gian cuối năm 2016 dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt vừa cho biết, mục tiêu của Ban phấn đấu từ nay đến 31/12/2016 hoàn thành phần xây lắp, sang năm 2017 dự án đi vào hoạt động chính thức. Với mốc thời gian này, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông lại một lần nữa bị vỡ tiến độ.
Trúng thầu vì bỏ giá thấp
Tháng 3/2016, khi Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco - Chủ đầu tư dự án nước sông Đà giai đoạn 2) công bố đơn vị trúng thầu thi công đường ống là Cty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing Trung Quốc (Cty Xinxing), đã làm nhiều người dân Thủ đô lo lắng. Sau đó, những băn khoăn của người dân được đồng loạt phản ánh trên báo chí, lãnh đạo Chính phủ lập tức chỉ đạo thành phố Hà Nội dừng ký hợp đồng với nhà thầu trên.
Tuy nhiên, theo thông báo dự thầu, ngoài Cty Xinxing, còn có 3 đơn vị có truyền thống thi công, lắp đặt đường ống nước như Liên danh nhà thầu Jindal Saw - Newtatco (Ấn Độ), Cty Saint-Gobain PAM (Pháp), Cty Hydrochina Corporation (Trung Quốc) tham dự. Cuối cùng Cty Xinxing trúng thầu.
Lý giải về việc Cty Xinxing trúng thầu, ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Cty CP Nước sạch Viwasupco cho rằng, Cty Xinxing đáp ứng được chủng loại ống có đường kính 1.800mm (DN 1.800) như hồ sơ mời thầu. Đặc biệt Cty Xinxing cũng là đơn vị bỏ thầu giảm 11,8% so với tổng mức đầu tư của dự án nên được lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư công bố Cty Xinxing trúng thầu, các đơn vị cùng dự thầu đã không phục và cho rằng, việc chủ đầu tư chọn Cty Xinxing là có sự “khoanh vùng” khi thực hiện đấu thầu.
Cụ thể, tại thời điểm đấu thầu, chủ đầu tư đã chọn nhà thầu đã thi công đường ống có đường kính 1.800mm là nhằm loại các nhà thầu khác. Cũng theo đại diện một nhà thầu khác, khi doanh nghiệp đã thi công đường ống nước, kích thước ống to hay nhỏ chỉ là vấn đề kỹ thuật trong sản xuất và thi công.
Còn việc nhà thầu Trung Quốc bỏ giá đấu thầu thấp hơn tổng mức chủ đầu tư lập dự toán, đây thực chất là “mẹo” làm giá để trúng thầu. Nếu chủ đầu tư chấp nhận phương án này thì không khác gì con dao hai lưỡi; vì để lấy lại thậm chí nhiều hơn số tiền bỏ thầu thấp, khi đã trúng thầu nhà thầu có thể điều chỉnh một số hạng mục, thậm chí cả dự án...
Mới đây nhất, Công ty CP Nước sạch Viwasupco đã hủy kết quả đấu thầu trên, đồng thời không ký hợp đồng thực hiện dự án với nhà thầu Trung Quốc.
Nên cảnh giác với nhà thầu Trung Quốc
Là người đầu tiên phụ trách và quản lý dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của nhà thầu Trung Quốc tại dự án trên. Hạn chế thứ nhất, ông Hồng cho rằng, công nghệ ĐSĐT của Trung Quốc chủ yếu phát triển từ sao chép của các nước châu Âu, do vậy khi dự án triển khai trên thực tế thì đã lạc hậu so với thế giới rất nhiều.
Thứ hai, vay vốn ODA và triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, Việt Nam chưa có kinh nghiệm giám sát, quản lý; dẫn đến nhiều khi cơ quan chức năng khó kiểm soát thi công, tiến độ của tổng thầu. Thứ ba, nếu vốn ODA của nhiều nước khác cho Việt Nam vay có điều kiện lựa chọn nhà thầu của họ nhưng thông qua đấu thầu; thì vốn ODA của Trung Quốc tại dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông bắt buộc từ nhà thầu đến Tư vấn giám sát đều do bên cho vay lựa chọn. “Đây là nguyên nhân mấu chốt khiến dự án không thể thay được tổng thầu khi năng lực họ yếu, dự án bị chậm tiến độ”, ông Hồng nêu thực tế.
TS Nguyễn Xuân Thủy - người nhiều năm học tập và nghiên cứu chuyên ngành ĐSĐT tại các nước châu Âu cho rằng, năng lực yếu, thi công chậm đang khiến nhà thầu Trung Quốc bị “tẩy chay” tại nhiều nước trên thế giới. Theo ông Thủy, ưu điểm và cũng đang trở thành nhược điểm của nhà thầu Trung Quốc khi đi ra nước ngoài là công nghệ (lạc hậu) giá rẻ, bỏ thầu thấp.
Theo Tiền Phong