Tại một cuộc họp với các nhà đầu tư tại TP.HCM hôm 13/10, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc của VietJet, tiết lộ doanh nghiệp đang chuẩn bị IPO trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong vòng 3 tháng tới. Ông nhận định đây là thời điểm tốt để ra mắt bởi công ty đang trong thời kỳ tăng trưởng tốt.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch IPO trong năm nay”, ông Khánh nói.
VietJet đặt mục tiêu tiếp tục tăng và mở rộng thị phần trong nước lên 40%, cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines. Ảnh: Reuters. |
Thành lập vào năm 2007, VietJet là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2011, tính đến tháng 10 năm nay, hãng này đã phục vụ khoảng 30 triệu lượt khách. Lượng khách trong năm 2016 dự tính đạt 15 triệu người, tăng 60% so với năm 2015, mang lại doanh thu gấp đôi so với con số 11.000 tỷ đồng vào năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập VietJet, nói rằng tình hình giao thông vận tải trong nước và chính sách mới của chính phủ đối với ngành công nghiệp hàng không mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này.
Bà Thảo cho biết, chính phủ đã công bố kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng, nhằm mở 26 sân bay trên toàn quốc vào năm 2020 thông qua khu vực tư nhân, khuyến khích phát triển công nghiệp. Theo đó, VietJet sẵn sàng đầu tư xây dựng sân bay nếu chính phủ "bật đèn xanh".
Đề cập đến việc tăng giá vé, người phụ nữ này cho hay: "Tôi xây dựng VietJet không chỉ nhằm cung cấp vé rẻ hơn cho các khách hàng có thu nhập thấp mà còn mang đến cho họ trải nghiệm Skyboss tiêu chuẩn cao".
Sau gần 5 năm hoạt động, hãng hàng không bikini hoạt động trên 37 tuyến bay tại Việt Nam và đặt mục tiêu tiếp tục tăng và mở rộng thị phần trong nước lên 40%, cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, VietJet cũng mở những tuyến trong khu vực đến các địa điểm như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc và Myanmar.
Hãng hiện sở hữu 40 máy bay, gồm Airbus A320s và A321s, hoạt động 350 chuyến mỗi ngày.
Với tham vọng xây dựng hoạt động kinh doanh hướng ra quốc tế, hồi tháng 8, VietJet bắt tay với Hahn Air, bán vé các chuyến bay của hãng thông qua hệ thống đặt chỗ của hãng hàng không Đức.
Do đó, VietJet có thể truy cập vào cơ sở khách hàng của Hahn Air, tại 190 thị trường và hợp tác với hơn 300 phương tiện các loại, cho phép hành khách của doanh nghiệp bay đến các địa điểm khác, nơi mà VietJet chưa có chặng bay trực tiếp.
“Chúng tôi đang đàm phán với các đối tác để mở rộng hợp tác với các hãng hàng không khác trong năm tới”, bà Thảo tiết lộ.
Những nhà đầu tư nước ngoài đang quan sát đợt IPO của VietJet, được đánh giá là một trong những màn ra mắt hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Bên cạnh đó, họ cũng chú ý cách VietJet xử lý chuyện chậm chuyến, một trong những vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống trong ngành công nghiệp hàng không tại Việt Nam, ra sao.
Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa chuyển giao từ mô hình công ty TNHH một thành viên sang mô hình công ty cổ phần.
Việc chuyển đổi được thực hiện theo quyết định số 3207/QĐ-BGTVT ngày 13/10 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc quyết toán chi phí cổ phần hóa, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Vietnam Airlines.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đánh giá đây có thể coi là một bước ngoặt của Vietnam Airlines.
Trong khi đó, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chỉ đạo Vietnam Airlines cần hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu và hoàn tất các thủ tục tại sở giao dịch, để mã chứng khoán doanh nghiệp sớm lên sàn.
Năm 2015, Vietnam Airlines vận chuyển khoảng 17,4 triệu lượt khách và 221.600 tấn hàng với tổng doanh thu đạt hơn 69.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng giá trị đầu tư của hãng đạt hơn 21.600 tỷ đồng, trong đó hơn 21.100 tỷ dùng để đầu tư máy bay.
Doanh nghiệp đặt kế hoạch phục vụ hơn 20 triệu lượt khách trong năm 2016, tăng 15,4% so với năm trước.
Theo Zing