Ai chịu trách nhiệm nếu tình trạng đầu tư dàn trải... be bét hơn?

Thứ ba, 18/10/2016, 08:58
Xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 mà Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không yên tâm với 2 triệu tỷ đồng được “lược tính”. Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cảnh báo, chia “cứng” 2 triệu tỷ đồng lúc này, 5 năm sau nhìn lại, tình trạng đầu tư dàn trải có thể còn… be bét hơn hiện tại.

2 triệu tỷ - “cơn lốc nợ” hay nguy cơ chi tiền dàn trải

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong số tiền 2 triệu tỷ đồng trong kế hoạch, nguồn ngân sách chiếm 20,5-21,9%, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm khoảng 3,9-4%, vốn từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 8,9%.

Vốn doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 47,4-49,6%, vốn nước ngoài chiếm khoảng 16,8-17,5%, các nguồn vốn khác chiếm khoảng 0,3% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Với ngân sách Trung ương, Chính phủ dự kiến nguồn cho cả giai đoạn là 1,12 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 820 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ), vốn nước ngoài là 300 nghìn tỷ đồng. Chính phủ dự kiến để lại nguồn dự phòng (chưa phân bổ) với mức để lại bằng 10% tổng số vốn đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng ngay lúc này không thể ngồi "chia tiền" đầu tư cho từng dự án trong suốt 5 năm tới vì cỏ thể dẫn tới hiện tượng đầu tư dàn trải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn vì kế hoạch Chính phủ xây dựng chưa rõ về danh mục đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia – những công trình sẽ ngốn đa phần trong khoản 2 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích, kế hoạch đầu tư trung hạn được xây dựng chỉ mang tính định hướng vì “không ai có thể dám chắc chắn về tính khả thi nếu chia “cứng” 2 triệu tỷ đồng cho từng danh mục dự án bởi sự bấp bênh của các dự báo là có thật”.

“Ngay như chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, dự báo GDP cho cả nhiệm kỳ trước đã thấy không đúng. Năm nay, kế hoạch đề ra là GDP tăng 6,7% nhưng giờ đánh giá lại, Chính phủ khả năng chỉ đạt 6,3-6,5% mà UB Kinh tế vẫn còn hồi hộp. Vậy thì việc dự báo số thu cho cả 5 năm với rất nhiều yếu tố rủi ro sẽ… không dễ dàng gì. GDP tuyệt đối năm nay, ban đầu dự báo 5,1 triệu tỷ đồng, giờ xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng cũng chưa chắc, thì làm sao mà nói mọi thứ chắc chắn cho 5 năm được” – Bộ trưởng Tài chính phân trần.

Tư lệnh ngành tài chính khái quát, với con số 2 triệu tỷ đồng, nếu không chặt chẽ thì sau 5 năm nữa, tình trạng đầu tư dàn trải có thể còn… be bét hơn hiện nay.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn không khỏi nghi ngại: “Nếu tung 2 triệu tỷ ra đầu tư mà không có đảm bảo về nguồn lực tài chính thì đáng ngại là tạo ra cơn lốc nữa về nợ, và không có khả năng thanh toán. Quốc hội phải dựa vào đề xuất của Chính phủ, mà Chính phủ lại chưa chắc chắn, thì Quốc hội làm sao quyết cho chắc chắn được?”.

Bảo lưu quan điểm của mình, Bộ trưởng Tài chính tiếp tục giải thích, không ai, kể cả Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, có thể thể khẳng định được 5 năm tới, mỗi năm GDP tăng 6,7%. Vậy, xây dựng kế hoạch thì vẫn chỉ là định hướng bố trí chi ngân sách.

“Tính toán là để 5 năm sau, hiệu quả đầu tư công phải tốt hơn, chứ lại be bét hơn thì chúng ta khó mà chịu được trách nhiệm” – Bộ trưởng Dũng cảnh báo.

Quốc lộ 1 sớm quá tải, cao tốc Bắc – Nam buộc phải làm

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại lo không có kế hoạch, chưa rõ nguồn đảm bảo về tài chính, tung ra 2 triệu tỷ đồng đầu tư có thể tạo "cơn lốc nợ" mới.

Một nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công 5 năm tới nhận nhiều ý kiến, quan tâm của các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội là về đề xuất làm tuyến cao tốc Bắc – Nam với kinh phí dự kiến 230.000 tỷ đồng.

Giải trình thêm trước UB Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phân tích, giai đoạn từ nay đến năm 2020, yêu cầu phát triển giao thông rất lớn, nhất là về đường bộ.

Đặc biệt, theo kế hoạch của Bộ GTVT, hệ thống đường cao tốc dự kiến xây dựng trên 2.000km, hiện nay đã có khoảng trên 700km, còn thiếu hơn 1.300km nữa để hoàn thành kế hoạch. Dù có rất nhiều tuyến đường nhưng sau khi xem xét lại, Bộ GTVT thấy cần tập trung vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia. Nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi vì quốc lộ 1A với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng bởi lưu lượng giao thông quá cao, lượng xe quá tải lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng bày tỏ lo lắng với việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, vì việc này hiện đang rất khó khăn. Các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi các điều kiện như bảo lãnh về tỷ giá và bảo lãnh về doanh thu thì mới tham gia.

Về nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Trường cho biết, có rất nhiều nhà tài trợ nhưng phía Việt Nam lại thiếu vốn đối ứng nên phải dừng lại, khi nào vốn đối ứng được cấp thì dự án mới được tiếp tục.

“Vừa rồi đề nghị cấp 4.000 tỷ vốn đối ứng, sau đó Chính phủ rút xuống 3.000 tỷ, nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa được đồng nào cả nên nguồn vốn đối ứng là rất khó khăn” – Thứ trưởng Trường thông tin.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, với điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, nếu lấy khoảng 70.000 tỷ từ nguồn vốn trung hạn ra để làm đường cao tốc, khiến các công trình khác phải hoãn lại thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu có gói đầu tư riêng đối với đường cao tốc để có thể đầu tư trước một số đoạn, để đến 2022 có thể hoàn thành gần 1.400 km đường cao tốc Bắc – Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại, UB Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vì đây là con đường rất quan trọng để có thể công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Nhưng vì dự án cần nguồn vốn lớn từ cả ngân sách và các nguồn vốn huy động, tác động giải phóng mặt bằng cũng lớn nên UB Thường vụ Quốc hội coi đây là chương trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về mặt chủ trương, làm chặt chẽ như với dự án sân bay Long Thành.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn