|
Một năm trước, Đào Chi Anh là cái tên khiến giới khởi nghiệp nể phục khi gọi vốn thành công 5,5 triệu USD ở vòng Serial B.
Nên biết rằng, số lượng start up trong ngành F&B gọi được vốn triệu đô chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi chỉ biết có 4, hai thương vụ của Mekong Capital (Golden Gate và Wrap and Roll), hai thương vụ của Dennis Nguyen (Kafe Group và Huy Việt Nam).
Nhưng tuyên bố rời khỏi Kafe Group mới đây của Chi Anh cũng gây bất ngờ không kém. Vậy cuối cùng việc đưa công ty của mình thành doanh nghiệp triệu đô là thành công hay thất bại?
Gọi vốn thành công
Hàng nghìn bạn trẻ đang khởi nghiệp ngoài kia đều có một ước mơ, gọi được hàng triệu đô la tiền đầu tư vào công ty của mình.
Cái cảm giác thương hiệu do bản thân sáng lập được thị trường định giá bảy con số thật sự huyễn hoặc, nó có sự tự hào, pha chút sự tự kiêu và chủ quan. Nhưng Kafe Group (hay tên đầu tiên là The Kafe) sẽ là một ví dụ kinh điển cho thấy mặt trái của câu chuyện gọi vốn.
Hãy quay trở lại câu chuyện của 1 năm trước, khi Chi Anh mang tài liệu của Kafe Group sang Hong Kong gặp nhà đầu tư. Tài sản của Kafe Group lúc đó là 12 cửa hàng tại Hà Nội, một đội ngũ giỏi sáng tạo sản phẩm, một mô hình đã được chứng minh là thành công, gắn liền với tâm huyết của người sáng lập. Nhưng điều gây ấn tượng hơn là The Kafe đã xây dựng được một trào lưu, một khái niệm mới về “fusion café chain”, mà nhiều chuỗi sau này bắt chước theo.
Dưới con mắt nhà đầu tư, The Kafe còn được đánh giá cao ở hai điểm, một là mô hình dễ nhân rộng dựa trên một nền tảng sản phẩm chất lượng. Điểm này thực sự quan trọng vì nó sẽ không giới hạn sự phát triển chỉ trong Việt Nam mà còn khả năng ra các nước khác.
Hai là mô hình này đã thành công tại Hà Nội, một thị trường khó tính hơn hẳn Hồ Chí Minh. Kafe Group tự định giá trước khi gọi vốn ở mức 6 lần doanh thu, và tham vọng tăng trưởng 3 lần sau khi nhận được tiền đầu tư. Con số này không hẳn là ảo tưởng, nếu xét về những yếu tố premium mà Kafe Group xứng đáng được trả.
Nhưng có thể đoán rằng, có lẽ người sáng lập với mong muốn gọi được vốn đã chấp nhận những điều khoản làm khó mình, theo kiểu được ăn cả ngã về không thì mới phải chia tay đứa con tinh thần của mình chỉ sau 4 năm khởi nghiệp.
Bài học từ Kafe Group
Gọi được vốn là một thành công, nhưng tiêu tiền thế nào mới là điều kiện sống còn. Sẽ có 3 kiểu kết quả sau khi gọi được vốn. Một là phát triển thành Thánh Gióng. Hai là sống vật vờ chờ tiêu hết tiền và gọi thêm tiền. Ba là đốt tất cả và xuống địa ngục.
Kafe Group vẫn tồn tại, nhưng cái sai đầu tiên của họ là quá tham vọng. Một kế hoạch mở rộng ồ ạt theo vùng địa lý, ở đây là vào Sài Gòn, tưởng như dễ được chấp nhận nhưng chưa tính đến khả năng quản trị, văn hóa vùng miền và sự cạnh tranh.
Vận hành chuỗi cần có bộ máy quản trị tốt, đặc biệt khi mở ra ở nhiều khu vực địa lý khác nhau. Chỉ có vài chuỗi ở Việt Nam thành công, Golden Gate, Highlands, Trung Nguyên… Còn Kafe Group, sau vụ bị tố chây ỳ nợ lần trước, chính Chi Anh cũng chia sẻ những khó khăn khi vận hành 20 cửa hàng với 500-600 nhân viên. Nó vượt quá tầm của một cô gái đi lên từ căn bếp, bỗng nhiên phải giải quyết các bài toán về công nợ, tài chính, nhân sự.
Áp lực phải giải ngân quá nhanh để tăng quy mô sau khi nhận được tiền, có thể là bài toán quá sức khác.
Kafe Group vận hành đến 4 thương hiệu khác nhau The Kafe, Kafe Village, Kafe Box và The Burger Box, mua lại một thương hiệu Cupcake rồi có tham vọng mở tiếp thương hiệu trà, cafe và nước ép trái cây.
Một câu nói kinh điển trong ngành marketing: Tập trung hay là Chết. Những thương hiệu của Kafe Group nghe có vẻ liên quan đến nhau, họ cũng có lộ trình chuẩn bị chứ không phải tùy hứng, nhưng lại đi quá nhanh. Sự nhanh chóng khiến The Kafe mở thì nhiều, nhưng mờ nhạt.
Thời điểm 2016 cũng rất khác 2013, Sài Gòn cũng khác Hà Nội. Một trào lưu mà The Kafe khởi đầu, đã không phát triển thành xu hướng, khi thị trường có nhiều lựa chọn khác. Những đặc điểm “unique” mà thương hiệu mang lại ban đầu, không thể biến The Kafe trở thành một “love mark”, thay vào đó là sự tò mò, nghi ngờ và sự khắt khe khi trải nghiệm.
Phía sau thành công của một startup là một đội ngũ. Phía sau Chi Anh cũng là một team rất khủng, nhưng vẫn có thể thấy sự cô đơn của người sáng lập. Người ta chỉ nhắc đến The Kafe của Đào Chi Anh, mà ít ai để ý công ty này đã bán 40% ở vòng Serial A và thoái vốn đợt nữa ở sau vòng Serial B.
Gắn thương hiệu cá nhân với một startup là điều đúng, nhưng áp lực cho sáng lập viên sẽ gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp. Và giờ đây khi người sáng lập đã rời bỏ công ty ở mức quy mô 11 triệu đô (theo vốn điều lệ mới đăng ký), Kafe Group sẽ buộc phải chọn cho mình một chiến lược truyền thông khác, vốn từ trước đến nay chỉ xoay quanh niềm đam mê của cô chủ cửa hàng.
Tôi biết nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chỉ nghĩ tới lúc gọi được tiền đầu tư. Nhiều câu chuyện gọi vốn thành công tạo niềm cảm hứng cho những mộng mơ. Nhưng phía sau nó là những câu chuyện về rủi ro quản trị sau khi tăng quy mô, rủi ro về khả năng kiểm soát trong cấu trúc cổ đông mới, áp lực chứng minh thành công… mà Kafe Group là một ví dụ điển hình. Tôi đồng cảm với Chi Anh, chắc hẳn tôi cũng sẽ tiếc nuối khi phải rời bỏ tâm huyết của mình sau 4 năm đồng hành cùng nó.
Theo Tri Thức Trẻ