|
(Ảnh minh hoạ). |
Phát biểu tại Hội thảo định hướng phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, rõ nét, từ bước tạo lập hạ tầng sang bước phát triển mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng và doanh nghiệp.
Kết quả từ thực tiễn cho thấy, thương mại điện tử không chỉ còn tập trung ở các thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Do vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và địa phương trên cả nước nhằm phát triển hài hòa mọi khía cạnh của lĩnh vực thương mại điện tử.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai, Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho thương mại phát triển. Do vậy, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử.
"Thương mại điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu quan trọng đến năm 2020 của thương mại điện tử, doanh số bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ của cả nước. Trong đó, kỳ vọng các giao dịch thương mại điện tử B2B (các doanh nghiệp mua hàng hóa để thương mại hóa hoặc sản xuất) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020", bà Việt Anh cho hay.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho thấy, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam hiện vẫn khá khiêm tốn khi chỉ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc đạt 617 tỷ USD, Hàn Quốc 39 tỷ USD, Ấn Độ 14 tỷ USD...
Báo cáo tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có tổng số 5.161 website thương mại điện tử được thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số trang web đang hoạt động trên địa bàn. Tính riêng 9 tháng đầu năm, thành phố có 1.317 website thông báo, đăng ký hoạt động mới, gồm 1.258 website bán hàng và 59 sàn giao dịch thương mại điện tử.
Năm 2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Hà Nội đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 4% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên địa bàn khoảng 1,04 tỷ USD, doanh thu cả năm ước đạt 1,4 tỉ USD, chiếm 4,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố.
Theo bà Lan, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; số lượng website thương mại điện tử hoạt động đúng quy định chiếm 20% tổng số đang hoạt động của địa phương; phấn đấu 70% số người sử dụng Internet của Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm trực tuyến có lắp thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS)…
Theo Dân Trí