Kiếm ngàn tỉ từ studio ảnh cưới!

Thứ hai, 07/11/2016, 10:25
Phim trường chụp ảnh cưới L’amour, quận 2, TP.HCM vào một buổi trưa trung tuần tháng 10. Cứ nghĩ sẽ ít người chụp hình vào thời điểm này, nhưng thật bất ngờ khi có đến khoảng 10 cặp cô dâu, chú rể đang tất bật trang điểm, say sưa tạo dáng cho những album ảnh cưới để đời. Trong khi đó, ở một phim trường cách không xa, chỉ có thưa thớt vài ba cặp đến chụp ảnh. Hai cảnh trái ngược này cho thấy, dù phim trường chụp ảnh cưới đang là một lĩnh vực đầu tư nóng nhưng chỉ những mô hình có chiến lược đúng mới có cơ hội phát triển.

Hiện ở TP.HCM có khoảng 10 phim trường chụp cưới có quy mô từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông với vài chục bối cảnh, góc chụp. Còn những phim trường diện tích nhỏ hay studio truyền thống không kể hết. “Dù kinh tế khó khăn nhưng ngành cưới và những dịch vụ đi kèm vẫn không bị ảnh hưởng nhiều”, một cựu giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng tiệc cưới có tiếng ở TP.HCM nhận định.

Theo khảo sát do Hiệp hội Các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới thực hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, mỗi năm ở 4 thành phố này có khoảng 2,6 triệu đám cưới. Theo tổng kết của Hiệp hội, 50% chi phí của một đám cưới dành cho nhà hàng đặt tiệc, 30% cho chi phí chụp hình (bao gồm cả áo cưới, album, trang điểm), 15% dành cho nữ trang, quà tặng và 5% để du lịch. Nếu mỗi đám cưới chi khoảng 100 triệu đồng, doanh thu cho các dịch vụ chụp ảnh cưới lên đến 78.000 tỉ đồng.

“Đa số các cặp cô dâu chú rể bây giờ đều chụp nhiều hơn một bộ hình. Ít nhất là một bộ ở ngoại cảnh và một ở studio hay phim trường”, chủ studio chụp cưới Trần Hùng ở quận 5, TP.HCM cho biết. Phim trường dành cho chụp cưới có 2 phong cách. Thứ nhất là một khu phố được thiết kế theo gu thẩm mỹ nhất quán, có nơi theo trào lưu truyền thống, nơi chuộng phong cách châu Âu cổ điển hoặc vui tươi theo kiểu Hàn Quốc. Phong cách thứ 2 là dựng từng bối cảnh nhỏ theo nhiều chủ đề khác biệt. Tại phim trường, cô dâu có phòng thay đồ, phòng trang điểm... cả khu ăn uống phục vụ cho các cặp đôi đến chụp ảnh.

The Vow, Orange, Déjà vu là những phim trường chụp ảnh cưới tiên phong tại TP.HCM cách đây khoảng 5 năm. Thời điểm đó cũng là lúc ăn nên làm ra của mô hình này. Đại diện của Box Art tại Hà Nội cho biết, phim trường có khi đón đến 300-400 đôi/ngày, sau 1 năm đã thu hồi được vốn đầu tư. Đặc trưng của mô hình này là diện tích đất phải rộng (thường trên 1.000m2 để bối cảnh được đa dạng) và phải duy trì đầu tư định kỳ để cảnh trí luôn mới. Theo chị Thúy, điều hành Phim trường Orange tại Thủ Đức, dự định của chủ đầu tư Nhật cho phim trường 9.000m2 chỉ khoảng 15 tỉ đồng, song sau đó phát sinh lên đến 26 tỉ đồng. Phim trường này ngoài chụp ảnh cưới còn tích hợp dịch vụ chụp ảnh, trang phục cưới, cung cấp không gian để quay ca nhạc và các chương trình truyền hình.

Còn ở phim trường L’amour có diện tích 8.000m2 với hơn 50 bối cảnh ở trong nhà và ngoài trời, mức đầu tư ban đầu chỉ gần 2 tỉ đồng, chưa kể chi phí thuê đất. Hằng tháng, chủ đầu tư đều phải chi từ 100-200 triệu đồng để làm mới bối cảnh. Đây là yêu cầu bắt buộc để giữ chân khách hàng quen là các studio cưới và nhiếp ảnh gia. Mỗi bối cảnh có mức đầu tư trung bình từ 50-100 triệu đồng, song cũng có cảnh lên đến 300 triệu đồng như mô hình lâu đài tại L’amour.

Kiem ngan ti tu studio anh cuoi!
Nhiều cặp đôi chọn studio ảnh cưới vì có nhiều ngoại cảnh đẹp và tiện lợi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các mô hình được đầu tư ngoài trời cũng nhanh bị xuống cấp do mưa gió nên thường mỗi bối cảnh chỉ được sử dụng từ 2-3 tháng. Vì vòng đời ngắn, các bối cảnh thường được thực hiện từ nguyên vật liệu nhẹ, gọn, chi phí thấp nhưng lại yêu cầu tính thẩm mỹ và độ độc đáo cao. Để đầu tư phim trường cưới, thiết kế và thi công là khâu chiếm vốn cao nhất, thường đến 70%. Như một xu hướng mới, các phim trường ảnh cưới thu hút nhiều bạn trẻ tới thực hiện album cưới kỷ niệm ngày trọng đại trong đời. Chị Chi Quỳnh, Quận 2, TP.HCM cho biết: “Do thời gian bận rộn nên tôi chọn thực hiện album ảnh cưới tại studio, không mất công di chuyển quá nhiều. Bên cạnh đó, chụp ảnh tại đây có thể chọn nhiều bối cảnh đẹp, lạ mắt”.

Theo chị An, một trong những chủ đầu tư Phim trường Jeju vừa ra mắt năm ngoái, khách hàng đang ưa chuộng những bối cảnh càng tự nhiên, nguyên vật liệu càng thật càng tốt, gạch đá, cây cối và hoa lá đều thật... Tâm lý này của các cặp đôi đang đặt ra thách thức với các chủ đầu tư khi chi phí cho những bối cảnh sẽ bị đội lên. Dù chụp ở phim trường để tránh gió, tránh nắng và đỡ tốn công, nhưng đa phần các cô dâu chú rể đều muốn chụp cả cảnh trong nhà và ngoài trời. Các phim trường gần hồ, sông, có cảnh thiên nhiên là những nơi hút khách nhất.

Tuy nhiên, bà Kim Thoa, Giám đốc Phim trường White House, cho biết, sau giai đoạn phát triển rầm rộ, phim trường chụp ảnh cưới đã đến điểm bão hòa. Các phim trường chỉ có cách duy nhất là tập trung vào thiết kế lạ mắt và ấn tượng để thu hút khách. Điểm nhấn của White House là hồ bơi với vách kính chịu lực để chụp được những bộ ảnh cưới dưới nước mà việc thực hiện trước đây khá phức tạp. Còn ở L’amour, chủ đầu tư nuôi thêm bồ câu, cừu để tạo thêm các bối cảnh sinh động.

Mức giá trung bình tại các phim trường cưới cũng rất đa dạng, vài trăm ngàn đồng nếu chụp theo giờ hoặc từ 1,5-3,5 triệu đồng nếu chụp nguyên ngày. Tỉ suất lợi nhuận trong mô hình phim trường ảnh cưới cũng khá cao. Theo đại diện Jeju, tỉ suất lợi nhuận mô hình này từ 30-35% và Phim trường đặt mục tiêu có được từ 5.000-7.000 khách hàng/năm. Còn theo chị Út Lê, nhà đầu tư L’amour, sau khi đi vào ổn định, hiện tại mỗi ngày phim trường đón khoảng 40 đoàn chụp hình, cuối tuần và dịp lễ sẽ đông hơn, từ 60-70 cặp. Doanh thu của phim trường này mỗi tháng đạt hơn 1 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận được khoảng một nửa. Chủ đầu tư L’amour đang cân nhắc ý định mở thêm một phim trường lớn hơn vào năm sau.

Ngoài bối cảnh hút mắt, các chính sách ưu đãi giá, giá trọn gói nhiều lần chụp hoặc kết hợp với nhà hàng cưới, nội thất, trang sức cưới... để mở rộng đối tượng khách hàng là những cách làm đang được nhiều phim trường thực hiện.

Thị trường phim trường cưới vẫn đang khá sôi động với nhiều nhà đầu tư mới nhưng cũng không ít người bỏ cuộc. The Vow, một thương hiệu có tiếng tại TP.HCM vừa kết thúc kinh doanh mô hình này. Trong khi đó, Smiley Ville, phim trường rộng khoảng 5,5ha được xem là quy mô nhất trong loại hình phim trường chụp ảnh, vừa ra mắt ở Hà Nội.

Không phải cặp đôi yêu nhau nào cũng đi đến cuối con đường là đám cưới hạnh phúc. Cũng như vậy, không phải khoản đầu tư nào cũng hái trái ngọt. Nhưng cũng như sự quyến rũ của tình yêu, nhiều nhà đầu tư mới vẫn hồ hởi gia nhập cuộc chơi đầy hấp dẫn này, bất chấp rủi ro.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích