Đường sắt trên cao: Nhà thầu ngoại đòi phạt 40 triệu USD

Thứ năm, 10/11/2016, 09:41
Dự án triển khai gói thầu số 3 thi công hầm và ga ngầm đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội bị nhà thầu đòi phạt tới 40 triệu USD.

Nhà thầu là liên danh Hyundai E&C - Ghella JV - một trong những nhà thầu ngoại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Đơn vị này vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội yêu cầu điều chỉnh tăng phí hợp đồng thực hiện gói thầu số 3 hầm và ga ngầm do chủ đầu tư chậm trễ bàn giao mặt bằng.

Số tiền nhà thầu đòi bổ sung lên tới 40 triệu USD, tương đương trên 800 tỉ đồng.

Dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội đang đối mặt với mức phạt 40 triệu USD do Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng

Vì sao nhà thầu đề xuất phạt?

Ngày 30/10/2015, liên danh Hyundai E&C - Ghella JV trúng thầu thi công gói thầu số 3 và đã ký với Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) hợp đồng thầu hầm và các ga ngầm.

Ngày 6/9/2016, nhà thầu gửi văn bản cho chủ đầu tư đính kèm bản thảo biên bản ghi nhớ trong đó khẳng định nhiều mốc thời hạn bàn giao mặt bằng công trường từng phần và giai đoạn 1 của kế hoạch di dời các công trình ngầm nổi đã hết hạn. Chi phí ảnh hưởng của kế hoạch thi công sơ bộ sẽ phải được sửa đổi cho phù hợp.

Theo quan điểm của nhà thầu, phần “Chi phí điều chỉnh thời gian hoàn tất” sẽ được điều chỉnh với giá trị 84.600 USD/ngày nhân với 10 tháng (303 ngày) để tính toán phí tổn bổ sung do thời gian bị kéo dài hơn so với kế hoạch.

Khoản phí bổ sung sẽ là 25,6 triệu USD. Về chi phí bổ sung do sự trùng lặp giữa thứ tự của các công trình và các giai đoạn di dời công trình hạ tầng kĩ thuật cũng được tạm tính 8.509 USD/ngày nhân với 438 ngày (cho 4 ga tầu) bằng 3,7 triệu USD.

Ngoài ra, nhà thầu JV còn đòi thêm khoản chi phí “chậm trễ ngày bắt đầu” khoảng 180 ngày với giá 46.500 USD/ngày tương đương với 11 triệu USD.

Tổng mức phí bổ sung mà nhà thầu đòi chủ đầu tư khoảng 40 triệu USD.

Trao đổi với PV hôm qua, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban quản lý MRB cho biết: Văn bản trên chỉ thể hiện quan điểm chủ quan của nhà thầu, chưa có sự thương thảo với chủ đầu tư.

“Điều quan trọng nhất là bàn giải pháp để triển khai chứ chưa bàn đến vấn đề chi phí. Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, căn cứ theo quyền khiếu nại của nhà thầu được quy định trong hợp đồng và sự chậm trễ thực tế trong bàn giao mặt bằng thi công, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với khoản tiền lớn để “nộp phạt” cho nhà thầu là điều có thể.

Các gói thầu liên tiếp đội giá

Việc nhà thầu đòi phạt hợp đồng sẽ khiến gói thầu số 3 tiếp tục bị đội giá.

Trong thời gian 5 năm (tính từ thời điểm hợp đồng trúng thầu), gói thầu số 3 đã liên tục đội giá từ 169,936 triệu euro lên 302 triệu euro.

Dự án này đã nhiều lần phải điều chỉnh giá cho nhiều gói thầu

Không chỉ gói thầu số 3, hầu hết các gói thầu quan trọng trong dự án đường sắt trên cao đều đã bị đội giá.

Ngày 22/6/2010, UBND TP.Hà Nội ra quyết định 3053 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Nguồn vốn để triển khai dự án này một phần từ ngân sách nhà nước và sẽ vay vốn ODA từ Chính phủ Pháp theo nghị đinh thư tài chính giữa hai nước khoảng 653 triệu euro.

Tháng 7/2013, Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đấu thầu của các gói thầu số 3, 6, 7,8,9 của dự án....Với kế hoạch bổ sung này, Việt Nam sẽ phải vay thêm 246 triệu euro của các nhà tài trợ.

Năm 2014, các gói thầu số 3,6,7 tiếp tục tăng giá.

Thời điểm hiện tại, gói thầu số 6 đã tăng lên thành 265 triệu (đội giá so với dự toán ban đầu khoảng 92 triệu euro); gói thầu số 3 đã lên tới 302 triệu euro (đội giá khoảng 133 triệu euro).

Ngày 10/10/2016, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy đề nghị chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu số 6 là 265.291.000 euro (tương đương 6.724 tỷ đồng). Ở mức giá này gói thầu số 6 đã bị đội lên so với giá phê duyệt lần đầu khoảng 92 triệu euro.

Theo VietnamNet


Các tin cũ hơn