|
Đó là chia sẻ của anh Phạm Thông, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, trong lần trả lời phỏng vấn mới đây với chúng tôi.
Thị trường thương mại điện tử có nhiều thành viên mới. Anh nghĩ đây có phải thời điểm cạnh tranh khắc nghiệt không?
Thị trường TMĐT nói chung đầy tiềm năng và sôi động, phát triển nhanh chóng và sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia. Để giữ vững vị thế tiên phong và dẫn đầu thị trường, Lazada không ngừng tạo ra những chuẩn mực mới cho TMĐT bằng cách hoàn thiện từ nền tảng sản phẩm, dịch vụ kho bãi, vận chuyển cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Khó khăn của thương mại điện tử tại thời điểm hiện tại là gì, so với trước kia?
Một trong những khó khăn chung của thị trường TMĐT hiện nay là vấn đề niềm tin của người tiêu dùng. Khác với mua hàng tại cửa hàng, khách hàng mua hàng trực tuyến không thể tận mắt cầm nắm, thử sản phẩm để đánh giá về chất lượng. Vì thế, điều này phần nào cản trở khách hàng khi thực hiện quyết định mua hàng trực tuyến.
Hơn nữa, nếu chẳng may mua phải món hàng kém chất lượng, khách hàng sẽ dần e ngại và có ấn tượng không tốt về hình thức mua sắm này. Trước đó, một khảo sát được Lazada thực hiện vào tháng 3/2016 cũng cho thấy hơn 82% quan tâm đến chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến.
Ở Lazada, chúng tôi giải quyết bài toán này bằng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các thương hiệu lớn để có được nguồn hàng chất lượng và uy tín nhất. Chúng tôi tin rằng một khi sự nghi ngờ dần mất đi thì cũng là lúc TMĐT trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng.
Có ý kiến cho rằng Alibaba hay Amazon khó lòng đấu được một triệu người bán háng trên Facebook vì họ hiểu rõ văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Việc Facebook triển khai mô hình C2C là một tin vui cho thị trường TMĐT, điều này chứng tỏ thị trường đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, thu hút nhiều “ông lớn” nhảy vào, về phía người tiêu dùng, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để được biết, hiểu kỹ càng hơn về TMĐT và mua sắm thông qua kênh này.
Hình thức Facebook triển khai là C2C hoàn toàn khác biệt với hình thức mà các sàn TMĐT như Lazada đang làm là B2C nên hầu như không thể so sánh và cho rằng đây là sự đối đầu. Với hình thức C2C, quy mô sẽ nhỏ hơn và gói gọn trong việc các cá nhân dùng nền tảng công nghệ là Facebook để giao dịch. Còn với hình thức B2C sẽ là một giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng từ giao vận, kho bãi, các hình thức thanh toán, chăm sóc khách hàng.
Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp ngoại chỉ nỗ lực hoạt động ở các thành phố lớn còn doanh nghiệp nội lại rất am hiểu thị trường nông thôn như giao thông, địa lý, văn hóa.... Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ chính TMĐT đã giúp xỏa bỏ rào cản và mọi ranh giới về giao thông, địa lý, văn hóa giữa thành phố lớn và nông thôn. Như chính tại Lazada, 60% đơn hàng từ các vùng, các tỉnh thành ngoài các thành phố lớn, điều này minh chứng rõ ràng cho việc Lazada đang từng ngày xóa nhòa mọi ranh giới và vươn rộng đến mọi miền đất nước.
Các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp cũng với mong muốn tiếp cận nhiều hơn và rộng khắp người tiêu dùng ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà họ không thể xây dựng hệ thống cửa hàng hoặc phủ đến. Không dừng lại ở đó, dịch vụ giao hàng miễn phí, đổi trả tận nhà, hoàn tiền tận túi được triển khai cũng là cách khuyến khích khách hàng đến gần hơn với hình thức mua sắm đầy tiện lợi này.
Thói quen người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi như thế nào khi thương mại điện tử và công nghệ phát triển?
Có lẽ ai cũng nhận ra sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và hình thức mua sắm trực tuyến nói riêng. Từ khi thương mại điện tử phát triển, với những đặc tính vốn đầy tiện ích mà hình thức mua sắm này mang lại, một bộ phận lớn người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen mua sắm chỉ bằng vài click chuột.
Ba điểm thay đổi nổi bật nhất có thể kể đến là người tiêu dùng sử dụng internet nhiều hơn, thường xuyên hơn để mua sắm, họ không chỉ mua sắm qua kênh offline truyền thống như trước.
Sử dụng mobile như một công cụ để mua sắm bởi tính tiện lợi, nhanh chóng có thể đặt hàng mọi lúc mọi nơi. Theo thống kê, hơn 50% đơn hàng của chúng tôi đến từ ứng dụng trên mobile (application).
Người dùng cũng mua sắm một cách thông minh hơn, so sánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ kỹ càng hơn trước khi quyết định mua bất kỳ một món hàng nào.
Doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng thời điểm khi người tiêu dùng càng mua hàng online nhiều vì tính tiện dụng của nó?
- TMĐT là một xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng tạo nên ảnh hưởng cho người tiêu dùng vì vậy tham gia TMĐT là điều các doanh nghiệp nên bắt đầu ngay. Việc đầu tư cho TMĐT cần nghiêm túc và lâu dài hoặc có thể chọn giải pháp đơn giản hơn là tham gia cùng các sàn giao dịch TMĐT.
Ngoài ra, cũng cần có chiến lược kinh doanh phù hợp để đảm bảo rằng tất cả từ chất lượng sản phẩm, giá cả và các dịch vụ đi kèm theo đúng định hướng của TMĐT để đảm bảo cho cuộc đua đường dài đầy tiềm năng.
Theo Tri Thức Trẻ