|
Diễn biến giá cao su trong 5 năm trở lại đây |
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (11/11), giá cao su thế giới đã tăng 9,9 JPY/kg tương ứng tăng 4,98% lên mức giá 208,5 JPY/kg từ mức 198,6 JPY/kg của phiên giao dịch trước đó. Mặt hàng cao su đã tăng giá 17,27% trong tuần trước và tăng tới 16,68% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá cao su tăng 33,48%.
Trong lịch sử giá, cao su từng đạt mức giá kỷ lục tới 526,4 JPY/kg hồi tháng 2/2011 và sau đó lao dốc, thiết lập mức đáy 146,4 JPY/kg vào hồi tháng 1 năm nay.
Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp "nhảy" vào mảng cao su vào thời điểm mặt hàng này đang trong vùng đỉnh giá. Tuy nhiên, sau đó thị trường chung gặp nhiều khó khăn đã góp phần đẩy công ty của bầu Đức vào thế khó.
Hiện tại, HAGL đang có khoảng 40.000ha cao su tại Lào và ông Đoàn Nguyên Đức từng tuyên bố, trong trường hợp phương án tái cơ cấu nợ không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì Công ty nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (một công ty con của HAGL) sẽ bán 20.000ha cao su để xử lý nợ.
Trong quý III/2016, doanh thu thuần từ bán mủ cao su của HAGl đạt 35,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá cao su đầu năm ở mức thấp nên lũy kế 9 tháng, HAGL chỉ thu về được 51,3 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán mủ cao su (cùng kỳ năm ngoái là 135,6 tỷ đồng).
Như vậy, với việc giá cao su đang trong đà tăng trở lại, có thể đây sẽ là cơ hội cho các công ty của bầu Đức phục hồi tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại mảng nông nghiệp.
|
Triển vọng dành cho các doanh nghiệp của bầu Đức trở nên sáng hơn nhờ giá cao su phục hồi |
Theo nhận định của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng giá cao su thế giới tại thời điểm cuối tháng 9/2016 đã cao hơn khoảng 32% so với thời điểm đầu năm 2016. Trong nước, giá cao su cũng diễn biến tích cực hơn dự báo khi đạt mức trung bình khoảng 30 triệu đồng/tấn, cao hơn 15% so với mức 26 triệu đồng/tấn (theo như kế hoạch) trong 6 tháng đầu năm 2016.
Dự kiến, giá cao su sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi giá dầu. Tương quan giữa giá dầu và giá cao su bắt đầu quay trở lại trong thời gian khoảng hơn 1 năm trở lại đây do mối quan hệ cung cầu ngành cao su tự nhiên trở nên cân bằng hơn. Trong khi đó triển vọng giá dầu cũng trở nên lạc quan hơn khi các nước OPEC đi đến một thỏa thuận sơ bộ về việc cắt giảm khoảng 2% sản lượng, tương đương khoảng 750.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, giá cao su còn được hỗ trợ bởi yếu tố thời tiết El Nino và La Nina. Hiện tượng La Nina nối tiếp El Nino sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng cao su tự nhiên trong ngắn hạn. Dữ liệu lịch sử cho thấy tình trạng mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng một phần tới năng suất khai thác mủ cao su, qua đó sẽ tác động tích cực tới giá cao su tự nhiên.
Ngoài ra, BVSC cũng nhận định, nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc tích cực hơn dự báo bất chấp tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt. Các số liệu cho thấy không có bất kỳ một sự sụt giảm đột biến nào từ ngành sản xuất săm lốp và xe hơi Trung Quốc. Giá trị nhập khẩu cao su Trung Quốc giảm chủ yếu do giá cao su thấp hơn trong quá khứ, trong khi đó sản lượng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2016 cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ.
Với những diễn biến tích cực từ giá cao su, BVSC ước tính các doanh nghiệp cao su sẽ vượt kế hoạch đề ra trong năm 2016.
Tại một báo cáo khác của Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), công ty này cũng cho biết, giá cao su đang có diễn biến thuận lợi trong quý 3/2016. Giá cao su latex của Malaysia đạt mức trung bình 1,1 USD/kg trong quý 3, tăng 5,7% so với mức giá trung bình cùng kỳ năm ngoái.
Và với dự báo giá đi ngang, giá cao su quý IV của các doanh nghiệp được kỳ vọng tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với năm 2016, BSC kỳ vọng mức tăng trưởng tốt ở hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh xu hướng cải thiện của giá cao su, các chi phí sản xuất đã được tiết giảm về mức tối thiểu, giúp biên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su sẽ có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ. Theo đó, công ty này kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ thoát đáy từ quý 3 và tiếp tục giữ mức ổn định về kết quả sản xuất kinh doanh cao su trong quý IV/2016.
Cổ phiếu HAG của HAGL đã tăng giá hai phiên liên tiếp 10/11 và 11/11 lên 5.500 đồng, tương tự HNG cũng tăng giá lên 6.500 đồng. TRC của Cao su Tây Ninh tăng trần phiên 10/11 và tăng giá phiên 11/11 lên 29.100 đồng; PHR của Cao su Phước Hòa tăng trần phiên 10/11 và tăng giá phiên 11/11 lên 25.800 đồng và DPR của Cao su Đồng Phú tương tự cũng tăng trần phiên 10/11 và tăng giá phiên 11/11 lên 41.900 đồng/cp.
Theo Dân Trí