|
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá hàng ngàn tỉ đồng hiện phải tạm dừng hoạt động |
Ngày 14-11, Văn phòng chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ.
Thủ tướng chính phủ đồng ý với kết luận và kiến nghị nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ
Thủ tướng Chính phủ giao TTCP khi công bố chính thức kết luận thanh tra và tiến hành xử lý sau thanh tra thì cần phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án.
Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu TTCP xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiệu quả của từng dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra, làm rõ thực trạng hoạt động của từng dự án, khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, giải quyết những tồn tại và đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng.
Hai năm, lỗ 1.500 tỷ
Trước đó, TTCP đã có kết luận về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư.
Theo kết luận, năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ đều đi vay.
Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.
Dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8-2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ gần 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ hơn 360 tỷ đồng và năm 2014 lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn. Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu đến khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD.
Ngàn tỉ đổ vào những dự án “đắp chiếu”
Trong kết luận thanh tra các dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ, TTCP cũng chỉ rõ những dự án này đã được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng nhưng đến nay đều trong tình trạng “sống dở chết dở”.
Các sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nếu để 'đắp chiếu' nằm không thì mỗi dự án cũng lỗ hàng trăm tỉ đồng/năm.
Cụ thể, tại dự án ethanol Dung Quất, tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỉ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỉ đồng.
Tương tự, tại dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, sau đó đã bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Từ tháng 4-2013 đến nay nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng.
Đáng chú ý là dự án ethanol Phú Thọ do PVB làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC).
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.300 tỉ đồng sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng. Mặc dù dự án đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay và quản lý.
Theo TTO