|
Những hộ kinh doanh có hóa đơn lẻ phát sinh liên tục trong tháng sẽ bị đưa vào diện rủi ro cao của cơ quan thuế |
Bị liệt vào rủi ro vì xuất 1 - 2 hóa đơn/tháng
Chị K., ngụ tại Q.7 (TP.HCM) cho biết khoảng 1 tháng trước, chị đến mua hóa đơn lẻ tại một chi cục thuế thì được cán bộ cho biết đang tạm dừng cấp. Chị hỏi lý do thì được cho biết đây là chỉ đạo của chi cục trưởng. Tuần qua, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Công văn 5156 chính thức siết lại việc mua bán hóa đơn lẻ của những cá nhân kinh doanh.
Trước đây, từ 1.1.2016 theo Thông tư 92, hộ, cá nhân kinh doanh có 3 lựa chọn loại hình nộp thuế. Thứ nhất là nộp thuế khoán với doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Loại hình thứ hai là vẫn nộp thuế khoán, ngoài ra nếu khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn, người nộp thuế được mua hóa đơn lẻ. Thí dụ, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, khi xuất hóa đơn 10 triệu đồng thì đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tổng cộng 4,5%, cơ quan thuế thu ngay 450.000 đồng. Thứ ba, cá nhân kinh doanh có doanh số lớn được mua hóa đơn quyển; ngoài khoản nộp thuế khoán, thì họ xuất hóa đơn và đóng thuế GTGT và TNCN từ 1,5 - 7% tùy lĩnh vực hoạt động.
Nhưng sau gần 1 năm áp dụng, cơ quan thuế nhận thấy tình trạng hộ, tổ chức, cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã lợi dụng bán, cấp hóa đơn lẻ nhằm khấu trừ vào chi phí, gây thất thu thuế.
Chẳng hạn, một cá nhân thành lập công ty “ma”, không có kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn cho một doanh nghiệp khác lấy 2 - 5% trên giá trị hóa đơn, gây thất thu thuế.
Vì vậy, Tổng cục Thuế đã đưa ra một số tiêu chí nhận dạng các cá nhân có dấu hiệu rủi ro cao. Chẳng hạn, tiêu chí nhận dạng
Cơ quan thuế sẽ bỏ quá nhiều công sức, tiền bạc, thời gian để tìm được kẻ gian lận mà khó có ngay hiệu quả. Trong khi, kẻ gian lận chỉ là số ít, người kinh doanh đàng hoàng chiếm số nhiều... Luật sư Trần Xoa |
các hộ, cá nhân có dấu hiệu rủi ro cao là có hóa đơn lẻ phát sinh liên tục trong tháng (từ 2 hóa đơn trở lên) và trong quý (từ 3 hóa đơn trở lên). “Cơ quan thuế đưa ra quy định một tháng có 2 hóa đơn trở lên vào diện rủi ro là tỷ lệ quá thấp, người kinh doanh rất dễ lọt vào “danh sách đen”. Chẳng hạn, một người chỉ xuất 1 hóa đơn trong tháng không là đối tượng rủi ro, nhưng nếu xuất 3 hóa đơn trong 3 tháng (một quý) vẫn không thoát khỏi danh sách cảnh báo của cơ quan thuế. Kiểm soát như vậy là quá khắt khe, người kinh doanh đàng hoàng cũng dễ bị làm khó”, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang phân tích.
Chưa kể các tiêu chí rủi ro khác như các hộ, cá nhân có giá trị giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên; hóa đơn lẻ không trùng với họ, tên người được bán; có chữ ký không đúng với tên đề nghị bán, không đúng với ngành nghề đăng ký kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng cát đá sỏi…
Siết quá chặt
Công nhận việc siết lại quy định hóa đơn khi phát hiện sai phạm là làm đúng nhưng luật sư Trần Xoa cho rằng, các giải pháp đề ra hiện nay được xem là khá căng thẳng và mâu thuẫn với chính sách thuế đang khuyến khích cá nhân, tổ chức minh bạch trong khai thuế. Theo đó, cơ quan thuế đang khuyến khích các đơn vị xuất hóa đơn trong hoạt động kinh doanh để có thể tăng cường quản lý, kiểm soát.
Hàng hóa lưu thông trên thị trường phải có chứng từ kèm theo như hóa đơn, phiếu xuất kho, nếu không có hóa đơn sẽ bị tịch thu. Như vậy, việc hàng hóa có hóa đơn là một trong những biện pháp để cơ quan thuế có thể quản lý, thu thuế được. Nay thấy tình trạng sử dụng hóa đơn nhiều, cơ quan thuế quản không được lại đưa ra tiêu chí kiểm soát quá gắt gao là chưa hợp lý.
Hơn nữa, từ những dấu hiệu rủi ro cao đó, các chi cục thuế thành lập tổ chuyên tiến hành rà soát tất cả các hóa đơn bán lẻ đã bán, cấp ra từ năm 2012 cho đến tháng 10.2016. Từ đó đưa ra danh sách cảnh báo các hộ, cá nhân, tổ chức có dấu hiệu rủi ro cao về bán, cấp hóa đơn bán lẻ. Thời gian rà soát quá dài có thể làm tăng mạnh số lượng đối tượng rủi ro, gây khó khăn cho cơ quan thuế quản lý, trong khi hầu hết cơ quan thuế đều đang quá tải.
Chuyên gia về thuế Nguyễn Thái Sơn trấn an rằng, những tiêu chí nhận diện nêu trên chỉ là đặc điểm để cơ quan thuế đưa vào danh sách kiểm tra, sau đó sẽ loại trừ dần ra. Không nên lẫn lộn giữa người không kinh doanh và người kinh doanh thỉnh thoảng mua hóa đơn lẻ. Bởi đối tượng nằm trong danh sách rủi ro cao kiểm tra chủ yếu là những hộ, tổ chức, cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mua hóa đơn lẻ. Vả lại, người mua hóa đơn lẻ không lớn, số lượng hóa đơn lẻ cơ quan thuế bán không nhiều.
Tuy nhiên, theo luật sư Xoa, hiện cả nước có vài triệu hộ kinh doanh cá thể, thì khó thể lọc ngay ra được hộ nào chỉ sử dụng có 2 hóa đơn/một tháng, hay hộ nào không kinh doanh mà có mua hóa đơn để loại khỏi danh sách nghi ngờ. Như vậy, để lọc được phải kiểm tra hàng loạt hộ kinh doanh. Cơ quan thuế sẽ bỏ quá nhiều công sức, tiền bạc, thời gian để tìm được kẻ gian lận mà khó có ngay hiệu quả. Trong khi, kẻ gian lận chỉ là số ít, người kinh doanh đàng hoàng chiếm số nhiều, quy định nhận diện rủi ro trên diện rộng sẽ gây khó cho đa số, chưa nói đến việc dễ phát sinh tiêu cực.
Không ủng hộ cách làm của cơ quan thuế, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán Đồng Hưng cho rằng, chính sách thuế còn nắm đằng ngọn và vẫn chạy theo đuôi thực tế. Phát sinh việc mua bán hóa đơn “ma” là do nước ta hiện có 2 hệ thống đánh thuế: thuế trực tiếp (thuế khoán) với tỷ lệ nộp thuế thấp và thuế khấu trừ với tỷ lệ nộp 20%. Nhiều đơn vị đã lợi dụng việc này để tránh nộp thuế.
Cơ quan thuế đã thấy lỗ hổng, và việc siết hóa đơn lẻ là một trong những cách “trám” nhưng lại gây ảnh hưởng đến phần đông người kinh doanh. Với cách làm trên, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ lẳng lặng tìm cách lách, làm trì trệ nền kinh tế và tiếp tục gây thất thoát nguồn thu thuế. Hơn nữa, Chính phủ đang có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì cơ quan thuế lại tuýt còi. Chẳng hạn, trước đây, doanh nghiệp mới thành lập được liệt vào đối tượng rủi ro cao về thuế, bắt buộc phải mua hóa đơn tại cơ quan thuế, gần đây mới bỏ quy định này.
Theo TTO