Cử tri kiến nghị di dời trạm thu phí BOT không hợp lý

Thứ ba, 15/11/2016, 09:03
Trong hơn 2.600 ý kiến gửi đến Quốc hội, nhiều cử tri đề nghị cần mạnh tay trong xử lý xe quá tải, quá khổ, chở hàng cồng kềnh, xem xét di dời các trạm thu phí BOT không hợp lý.

Sáng 15/11, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo trước Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Theo báo cáo, từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổng hợp hơn 2.600 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Sau khi phân loại, xử lý, Ủy ban thường vụ tổng hợp 914 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị - xã hội và TAND Tối cao.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết đa số các kiến nghị của cư tri đã được các cơ quan trên tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời. Nội dung kiến nghị của cử tri về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Về nông nghiệp, nông thôn, cử tri đề nghị đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng về nông sản, thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Các cơ quan chức năng cần tích cực thanh tra, kiểm tra xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của người dân…”, cử tri kiến nghị.

Cử tri cũng quan tâm việc đổi mới chính sách tiền lương, chính sách đối với người có công, hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có mức thu nhập thấp…

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết các cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý nghiêm việc tổ chức các lễ hội không phù hợp với nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng, đại học gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; công tác hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp; việc đầu tư cho giáo dục phổ thông, quản lý việc dạy thêm, học thêm, chấn chỉnh tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

Bộ Y tế cần nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...

Cử tri đề nghị tăng cường tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng, trái quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Về giao thông, các cử tri cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, tăng cường các giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn trong xử lý xe quá tải, quá khổ, chở hàng công kềnh, xem xét di dời các trạm thu phí BOT không hợp lý và giảm phí BOT.

Ngoài ra, cử tri kiến nghị phải có biện pháp tích cực trong việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác chế biến khoáng sản. Người dân lo lắng việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, xử lý chưa nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này...

Một trong những tâm tư chung của người dân cả nước là cải cách hành chính, tinh giản bộ máy và biên chế. Cử tri cho rằng cần có biện pháp tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Theo Zing

Các tin cũ hơn