Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được khởi công xây dựng với công suất 560.000 tấn/năm. |
Dự án do Vinachem làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, trong đó có 250 triệu USD được vay từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. |
Tổng thầu của dự án là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc). Nhà máy khởi công năm 2008 tại Khu công nghiệp Khánh Phú (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Nhà máy hoàn thiện đi vào sản xuất năm 2012. |
Tuy nhiên từ khi đi vào hoạt động, nhà máy liên tục làm ăn thua lỗ. Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012 Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ khoảng 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Tổng mức lỗ tới nay đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Gia Thế, Phó tổng giám đốc (phụ trách sản xuất) Đạm Ninh Bình, cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ là do chi phí sản xuất cao, giá sản phẩm bán ra thấp và dây chuyền sản xuất thường xuyên hư hỏng phải đầu tư kinh phí lớn để tu sửa. Đạm Ninh Bình cũng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phân bón của công ty khác trong nước có giá thành rẻ hơn. |
Từ tháng 3/2016, nhà máy ngừng hoạt động để sửa chữa máy móc và bán hàng tồn kho, 400 công nhân phải nghỉ việc. |
Tháng 8/2016, dù hoạt động trở lại nhưng công suất sản xuất chỉ đạt 60% nên hàng trăm công nhân vẫn chưa có việc làm. Hiện nay, các cánh cổng cửa chính và cửa phụ luôn trong tình trạng "cửa chốt, then cài". |
Phía trong cánh cửa nhà máy là vùng trũng ngập nước vì mặt bằng thấp. |
Bến cảng sát nhà máy không còn cảnh tàu thuyền ra vào nhập nguyên liệu và chở đạm đi tiêu thụ tấp nập như trước kia. |
Khu vực cảng có đề biển cấm nhưng dường như không ai quan tâm và ngó ngáng đến. Khung cảnh nơi đây trở nên đìu hiu. |
Băng chuyền nối nhà máy với cầu cảng để chuyển hàng hóa và cho than vào lò đốt ngưng hoạt động. UBND tỉnh Ninh Bình từng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ "cứu" nhà máy. Tuy nhiên, khả năng để nhà máy hoạt động trở lại là rất khó do dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố, hư hỏng; việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao; chưa nói đến đạm sản xuất ra cũng không tiêu thụ ra thị trường được... |
Bộ Công Thương cho biết đang tiến hành thanh tra và sắp có báo cáo kết luận với Thủ tướng xem xét trách nhiệm cụ thể về dự án nghìn tỷ thua lỗ này. |
Theo Zing