Mời doanh nghiệp FDI đến Việt Nam bằng khối óc và trái tim

Thứ ba, 06/12/2016, 09:06
Kêu gọi doanh nghiệp FDI đến Việt Nam song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định không đón chào nhà đầu tư trốn tránh trách nhiệm môi trường, chuyển giá.

Ngày 5/12, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay năm 2016 Việt Nam thu hút 17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 21.000 doanh nghiệp FDI đầu tư gần 300 tỷ USD, gồm nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong chiến lược 2016-2020, Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép và doanh nghiệp trong nước trong nền kinh tế quốc gia thống nhất.

Không chào đón FDI trốn tránh trách nhiệm môi trường

Theo Thủ tướng, Chính phủ cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư.

“Tôi xin nói rõ khu vực FDI là mắt xích không tách rời và thực tế cho thấy khu vực này đang có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đánh giá cao và cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp FDI”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp FDI chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ sẽ có cam kết và hành động cụ thể, kiên trì hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm xã hội, chung tay cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của kinh tế.

“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.

Ông khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.

Ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ngập lụt

Trình bày báo cáo tại diễn đàn, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV), nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang tăng cao và ở mức báo động.

Nhiều doanh nghiệp Anh bày tỏ quan ngại về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông và ngập lụt, đang trở nên ngày càng trầm trọng.

Chủ tịch BBGV chỉ ra hàng loạt vấn đề về môi trường trong đó có ô nhiễm tiếng ồn. Ông Atkinson lấy ví dụ điển hình là các quán karaoke trong khu dân cư thường hoạt động suốt đêm với mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép; trường học sử dụng những dàn loa âm lượng lớn vào buổi sáng sớm hay các công trình thi công suốt ngày đêm trong khu dân cư.

Tắc nghẽn giao thông dưới con mắt nhà đầu tư Anh cũng ngày càng trầm trọng ở Hà Nội và TP.HCM. Thực trạng thiếu phương tiện giao thông công cộng gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề ùn tắc trên đường phố... Bên cạnh đó là tình trạng ngập lụt ở "mức độ khủng khiếp" trong năm nay.

BBGV đề nghị Chính phủ nhanh chóng xử lý, đặc biệt ô nhiễm không khí, một cách cấp bách và không khoan nhượng. "Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có những kế hoạch để hạn chế các phương tiện giao thông trong các thành phố lớn ngay khi hệ thống giao thông công cộng mới được đưa vào hoạt động”, ông nói.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Dominic Scriven, lấy làm tiếc khi thông báo tin mới đây, một nhà đầu tư lớn nhất của Dragon Capital đã rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam vì sự cố môi trường.

Ông Dominic Scriven nói các sự cố lớn tại miền Trung, sông Me Kong, buôn bán động vật hoang dã là những vấn đề thế giới nhìn thấy và ảnh hưởng không tốt tới uy tín quốc gia.

Theo Zing

Các tin cũ hơn