|
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Nếu có, đây sẽ là lần thứ ba trong hơn 1/4 thế kỷ Nhà Trắng từ chối khoản đầu tư của khách mua ngoại vì lý do an ninh quốc gia, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Tổng thống Barack Obama hôm 2.12 được cho là đang giữ khuyến cáo của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cho rằng việc bán nhà cung cấp thiết bị bán dẫn cho hãng Grand Chip Investment của Trung Quốc nên dừng lại.
Việc thương vụ 670 triệu EUR, tương đương 714 triệu USD, sẽ đánh dấu lần thứ nhì ông Obama từ chối một thỏa thuận vì lo ngại an ninh quốc gia. Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ chặn thương vụ thâu tóm từ nước ngoài là khi hãng Đại lục Ralls Corp. ngỏ ý mua một trang trại gió gần căn cứ hải quân ở bang Oregon. Trước đó, vào năm 1990, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cũng chặn doanh nghiệp Trung Quốc MAMCO Manufacturing sở hữu một nhà sản xuất bộ phận máy bay.
“Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Chúng tôi vẫn đang chờ nghe quyết định”, phát ngôn viên Guido Pickert của Aixtron cho hay. Cổ phiếu hãng này giảm đến 6,5% hôm 2.12, hạ 5,8% lúc 9 giờ sáng trong phiên giao dịch tại Frankfurt (Đức). Cổ phiếu giảm giá 12% trong năm nay, tái định giá doanh nghiệp Đức ở mức 407 triệu EUR.
CFIUS đánh giá các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Mỹ của khách mua nước ngoài và đặc biệt chú trọng đến các thương vụ mảng công nghệ, nhất là khi nó có ứng dụng trong quốc phòng. CFIUS có tiếng nói trong thỏa thuận mua bán hãng Aixtron vì doanh nghiệp có chi nhánh ở bang California và tuyển dụng khoảng 100 người Mỹ, tạo ra ở đây khoảng 20% doanh số bán hàng.
Công nghệ của Aixtron có thể được dùng để sản xuất đi-ốt phát quang, laser, bóng bán dẫn và nhiều sản phẩm khác. Chúng có thể có ứng dụng quân sự, trong thông tin liên lạc vệ tinh và radar. Northrop Grumman, nhà thầu quốc phòng Mỹ lớn, là một trong những khách hàng của Aixtron.
Quyết định chặn thương vụ đến vào giữa thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cáo buộc Đại lục tiến hành hoạt động thương mại thiếu công bằng, làm tổn thương người lao động Mỹ. Ông tuyên bố sẽ gắn mác Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” và áp thuế quan với hàng hóa nước này. Trong khi đó, Đại lục đang đầu tư vào Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở Mỹ đạt kỷ lục 15,3 tỉ USD năm 2015, theo số liệu từ Rhodium Group.
CFIUS không đưa ra bình luận về sự đánh giá của họ vì nó là thông tin bí mật. Đầu tư Trung Quốc tại Mỹ đã và đang thu hút mối lo ngại gia tăng ở Capitol Hill. Giới lập pháp thúc đẩy Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ xem xét việc liệu phạm vi của CFIUS có nên được mở rộng hay không.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ ở New York cũng có thư cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, cho biết ông lo ngại về số lượng thương vụ thâu tóm, sáp nhập gia tăng của doanh nghiệp Mỹ và các khách mua thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Schumer hứa Quốc hội Mỹ sẽ làm việc về vấn đề pháp luật để mở rộng phạm vi giám sát của CFIUS.
Theo Thanh Niên Online