|
Ông Trump (trái) và phó tướng Mike Pence (phải) chụp hình cùng tướng James Mattis sau một cuộc họp ở Bedminster, bang New Jersey |
Báo Washington Post nhận định quan điểm đáng chú ý của ông Mattis là xem phong trào "Hồi giáo nguyên gốc" là vấn đề an ninh lớn Mỹ phải đối mặt.
“Chúng tôi sẽ chỉ định Mattis “Chó Điên” làm Bộ trưởng Quốc phòng” - ông Trump thông báo trước cử tri tại một sự kiện ở thành phố Cincinnati, bang Ohio ngày 1-12. “Chúng tôi sẽ thông báo chính thức vào thứ Hai tuần tới. Quý vị giữ bí mật nhé!” - tỉ phú Trump tiếp tục “đùa” với khán giả.
Vậy mà sáng ngày 1-12, ông Jason Miller - người phát ngôn nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump - thông báo trên Twitter rằng chưa có quyết định nào về vị trí Bộ trưởng Quốc phòng được đưa ra, nhưng sau đó con trai ông Trump - Donald Jr. - chia sẻ một bản tin khẳng định ông Mattis đã được chọn.
Tướng diều hâu
Ông James N. Mattis làm chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm Hoa Kỳ (chuyên trách Trung Á và Trung Đông) trước khi “gác súng” về hưu năm 2013. Tướng Mattis thường chỉ trích Washington thiếu một chiến lược nhất quán ở Trung Đông, giải quyết các vấn đề một cách cục bộ và không hiệu quả.
“Phong trào Hồi giáo nguyên gốc có lợi có nước Mỹ không? Tôi cho câu trả lời là không, nhưng chúng ta cần thảo luận thêm. Nếu không đặt ra câu hỏi đó, làm sao chúng ta biết ai là đồng minh trong cuộc chiến” - ông Mattis từng phát biểu như vậy năm 2015.
Tướng Mattis (66 tuổi) phục vụ hơn 4 thập niên trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và là một trong số các lãnh đạo quân sự có sức ảnh hưởng nhất thuộc thế hệ ông. Nhà tư tưởng chiến lược này thỉnh thoảng cũng hứng phải chỉ trích do các phát ngôn cứng rắn của mình.
Tướng Mattis, khi còn trong quân ngũ, được đặt biệt danh là “Chó điên”, “Thầy tu chiến binh”… Ông lãnh ấn chỉ huy trong nhiều chiến dịch quân sự quan trọng nhất của Mỹ trong 20 năm qua trong đó có cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq sau sự kiện 11-9.
Sau khi về hưu cho đến nay, ông Mattis làm công việc cố vấn cho Viện Hoover - một tổ chức học giả thuộc Đại học Stanford.
Giống với ông Trump, tướng Mattis ủng hộ lập trường cứng rắn đối với các kẻ thù của Mỹ, đặc biệt là Iran. Trong một lần phát biểu hồi tháng 4 năm nay, ông Mattis khẳng định Iran là “mối đe dọa dai dẳng nhất đối với hòa bình và ổn định ở Trung Đông”.
Ông Mattis cho rằng Tổng thống kế tiếp của Mỹ sẽ thừa hưởng “một mớ lộn xộn” (ở Trung Đông) đồng thời nhận định thỏa thuận hạt nhân do ông Obama ký chỉ có tác dụng làm chậm tham vọng của Tehran chứ không ngăn cản được nó. Theo ông Mattis, Mỹ cũng không thể đảo ngược quyết định này để đơn phương cấm vận Iran nếu không có các đồng minh tham gia.
“Mỹ đang trở nên lạc lõng ở Trung Đông và ảnh hưởng của chúng ta đang ở mức thấp nhất trong 40 năm qua” - ông Mattis nhận định.
Sẽ bị bác bỏ?
“Tổng thống đắc cử khá thông minh để chọn một người được trọng vọng như James N. Mattis cho vị trí này. Ông ấy là một chiến binh, một học giả và là người thẳng thắn” - một cựu quan chức Lầu Năm Góc nhận xét với báo Washington Post.
Tuy nhiên, vị quan chức này cũng thừa nhận việc bổ nhiệm ông Mattis có thể gây quan ngại về việc vi phạm nguyên tắc “dân sự kiểm soát quân sự”.
“Đối với Mattis, nguy cơ lớn nhất của ông ấy là có một cố vấn an ninh quốc gia như Mike Flynn (cựu giám đốc tình báo quân đội), phong cách quản lý và quan điểm cực đoan của ông này có thể khiến hai người xung đột. Làm Bộ trưởng Quốc phòng không có gì vui nếu cứ suốt ngày cãi nhau với Nhà Trắng” - vị quan chức quốc phòng giấu tên nhận xét.
Để trở thành ông chủ Lầu Năm Góc, ông Mattis cần thêm sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ vì luật liên bang 1947 quy định một viên tướng cần chờ 7 năm sau khi về hưu để giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Quốc hội Mỹ chỉ từng một lần cho phép ngoại lệ khi tướng George C. Marshall được bổ nhiệm năm 1950.
Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand - thành viên Tiểu ban quân vụ về nhân sự Thượng viện Mỹ - cùng ngày 1-12 tuyên bố bà sẽ phản đối ông Mattis trở thành bộ trưởng Quốc phòng.
“Dù tôi rất kính trọng tướng Mattis nhưng tôi sẽ phản đối việc bổ nhiệm. Dân sự kiểm soát quân sự là nguyên tắc cơ bản nhất của nền dân chủ Mỹ” - TNS Gillibrand nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số người khác trong đó có chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain lại tỏ thái độ ủng hộ. “Tướng Mattis hiểu rõ những thách thức của Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ và nền an ninh quốc gia của chúng ta. Nước Mỹ sẽ may mắn nếu tướng Mattis được trở lại phục vụ” - TNS lão luyện McCain khẳng định.
Theo TTO