|
Chích ma túy tại cầu vượt trước bệnh viện Ung Bướu. |
Trưa nay, 2/12, Văn phòng UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế văn hoá xã hội và thu chi ngân sách 11 tháng đầu năm 2016. Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND TP.HCM chủ trì.
Trả lời PV về quản lý người nghiện tại các trung tâm, giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Lê Minh Tấn cho biết TP.HCM có 26.000 đối tượng tiềm ẩn sử dụng ma túy. Kết quả xét nghiệm xác định có 19.000/26.000 đối tượng dương tính với ma túy.
Thành phố đã đưa 11.200 người nghiện vào cai nghiện tại 9 cơ sở tập trung và 3 cơ sở xã hội trực thuộc lực lượng TNXP và Sở LĐTB&XH. Trong 11.200 trường hợp cai nghiện thì có trên 10.000 người không có nơi cư trú. Gần 8.000 người ở TP.HCM có nơi cư trú, đang thực hiện cai nghiện bắt buộc ở cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại 3 cơ sở xã hội (900 người).
Ông Tấn cho biết trước tình hình học viên các trung tâm cai nghiện phá trường trại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây ở Tây Ninh, lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm. Vừa qua, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đến thăm các cơ sở ở Bình Phước, Bình Dương, kiểm tra việc chăm lo đời sống, trị liệu, dạy nghề, dạy chữ, dạy văn hoá, vui chơi giải trí cho các học viên.
|
Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội. |
“Các cơ sở của TP.HCM thoáng mát, sạch sẽ, học viên ăn uống theo chế độ quy định. Thành phố coi 11.000 đối tượng là người bệnh mãn tính, đang khiếm khuyết về nhân cách chứ không phải tội phạm. Cán bộ trung tâm cùng ăn, cùng ở, gắn bó mật thiết, coi học viên như người thân… vì vậy anh em đến cai nghiện ai cũng mập ra, trắng trẻo”, ông Tấn nói.
Người đứng đầu Sở LĐTB&XH thừa nhận tỷ lệ sử dụng ma túy đá, tổng hợp tại TP.HCM chiếm gần 60%. Cuộc đấu tranh chống ma túy đá cực kỳ khó khăn. Theo ông Võ Văn Hoan, cơ sở vật chất các trung tâm cai nghiện, cơ sở xã hội của TP.HCM được đầu tư đầy đủ. TP.HCM chú trọng giáo dục thể chất, các hoạt động văn thể mỹ để góp phần giảm bớt ức chế, căng thẳng của học viên.
“Các học viên có tiền án, tiền sự, cộm cán, cá biệt và gia đình được các cán bộ trại chủ động gặp gỡ, trao đổi, động viên. Kỷ luật, kỷ cương của các trường đảm bảo nền nếp, quản lý vừa mềm, vừa rắn. Vì vậy, các cơ sở của TP.HCM chưa từng xảy ra việc học viên bỏ về giữa chừng”, ông Hoan nói thêm.
Theo Tiền Phong