Mỹ, Nhật Bản và Úc hôm 1-12 thúc giục công dân mình tránh xa khu vực trung tâm thủ đô Jakarta vì lo ngại biểu tình biến thành bạo lực. Các nước này cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công cực đoan nếu biểu tình tiếp tục diễn ra.
Trước đó, hơn 100.000 người hôm 4-11 tuần hành yêu cầu bắt giữ Thống đốc Ahok, người đang bị truy tố vì tội báng bổ kinh Koran. Ông Ahok là người gốc Trung Quốc, theo đạo Cơ đốc giáo.
Hôm đó, một số cuộc đụng độ giữa người biểu tình Hồi giáo bảo thủ và cảnh sát đã được ghi nhận, khiến 1 người chết và hàng chục người bị thương. Những kẻ quá khích còn đòi giết Thống đốc Jakarta, xông vào khu chung cư nơi ông này sinh sống để phá hoại tài sản. Khu vực này còn có nhà của nhiều công dân Trung Quốc.
Hiện nhà chức trách địa phương đang căng thẳng chờ đón một cuộc biểu tình lớn thứ hai có thể diễn ra vào ngày 2-12. Sau khi bị cảnh sát gây áp lực, người biểu tình cam kết sẽ chỉ tập trung quanh đài tưởng niệm quốc gia ở trung tâm thủ đô để hạn chế sự gián đoạn có thể gây ra cho thành phố.
Thống đốc Jakarta Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama. Ảnh: Reuters |
Biểu tình chống ông Ahok tại Jakarta hôm 4-11. |
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát hôm 4-11. |
Vụ việc khiến người ta nhớ lại các vụ biểu tình dẫn đến sự ra đi của nhà độc tài Suharto trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Người dân Indonesia khi đó oán trách các nhà tài phiệt Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ với Suharto nên giận lây sang cộng đồng nói tiếng Hoa.
Gần 2 thập kỷ sau đó, khu phố Tàu ở Jakarta vẫn còn ám ảnh bởi những căn nhà bị đốt cháy nham nhở trong cơn hỗn loạn. Ông Clement Alexander, người Indonesia gốc Trung Quốc, chủ một cửa hàng tạp hóa tại khu phố Tàu, lo ngại: “Đối với những người Trung Quốc giàu có, họ có thể chạy trốn đến Singapore hoặc các nước khác. Nhưng chúng tôi thuộc tầng lớp thấp, vì vậy chỉ sống và phụ thuộc vào sự bảo vệ của chính phủ”.
Khu phố Tàu ở thủ đô Jakarta. Ảnh: AP |
Năm 2012, ông Ahok trở thành người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Phó Thống đốc Jakarta. Đến năm 2014, ông thay thế vị trí Thống đốc của đồng minh chính trị Joko “Jokowi” Widodo (hiện là Tổng thống).
Song với cáo buộc xúc phạm đạo Hồi trong tháng 9, kế hoạch tái tranh cử Thống đốc Jakarta nhiệm kỳ hai của ông Ahok dự kiến vào tháng 2-2017 gặp khó khi uy tín bị sụt giảm torng các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Theo NLĐ