|
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP) |
Theo Guardian, ngày 29/11 theo giờ địa phương, ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã lần đầu bày tỏ quan điểm về hoạt động kiểm lại phiếu ở các bang chủ chốt theo khiếu nại của ứng viên đảng Xanh Jill Stein.
Bà Clinton tuyên bố ủng hộ kiểm lại toàn bộ hơn 3 triệu phiếu ở Wisconsin bằng tay thay vì bằng máy quét như ở hầu hết các bang của Mỹ. Joshua Kaul, luật sư của bà Clinton, cho biết bà Clinton ủng hộ đề nghị của ứng viên đảng Xanh Stein kiểm lại phiếu ở Wisconsin bằng tay.
Tuy nhiên, tòa án bang Wisconsin tối 29/11 đã ra phán quyết bác bỏ đề nghị này với lý do việc kiểm lại phiếu bằng tay rất mất thời gian và như thế sẽ không thể hoàn tất kịp thời hạn vào ngày 13/12. Thẩm phán Valerie Bailey-Rihn cho biết, mỗi hạt thuộc bang này sẽ tự quyết định lựa chọn phương án kiểm lại bằng tay hay bằng máy.
Theo kế hoạch, Wisconsin sẽ kiểm lại phiếu từ hôm nay 1/12 và hoàn tất vào ngày 13/12, nghĩa là khoảng 1 tuần trước khi diễn ra bỏ phiếu đại cử tri trên toàn nước Mỹ để chính thức chọn ra Tổng thống tiếp theo.
Ngoài khiếu nại kết quả ở Wisconsin, ứng viên Stein cũng đã đệ đơn yêu cầu kiểm lại phiếu ở bang Michigan, Pennsylvania - các bang chủ chốt mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã giành chiến thắng.
Chiến dịch của bà Clinton hồi tuần trước tuyên bố tuy không trực tiếp khiếu nại, song sẽ hỗ trợ quá trình kiểm lại phiếu với lý do đảm bảo tất cả các lá phiếu đều được kiểm đếm, nhằm củng cố niềm tin của cử tri. Trong khi đó, ông Trump và chiến dịch của ông đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hoạt động kiểm lại phiếu, cho rằng đây là một “trò lừa đảo”.
Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Kellyanne Conway, cảnh báo Tổng thống đắc cử có thể cân nhắc lại lời hứa không truy tố với bà Clinton liên quan đến bê bối sử dụng email sau khi chiến dịch của bà ủng hộ kiểm lại phiếu.
Thậm chí trước khi ông Trump giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8/11 nhiều đồn đoán cho rằng kết quả bầu cử có thể đã bị “dàn xếp” hoặc có sự can thiệp từ bên ngoài. Giới chức Mỹ từng cáo buộc Nga có thể đứng sau các cuộc tấn công mạng nhằm chi phối kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, nhằm có lợi cho ông Trump, tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Trả lời phỏng vấn báo Corriere della sera của Italy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30/11 nói rằng, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ để giúp ông Donald Trump chiến thắng là "hoang đường" và "vì mục đích chính trị".
Theo Dân Trí