Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?

Thứ năm, 01/12/2016, 11:46
Bệnh nhân mắc bệnh có thể đang khỏe mạnh bỗng dưng ngã quỵ, không thể nói, đứng vững. Nếu không nhận biết kịp thời để sơ cứu, họ sẽ tử vong.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cảnh báo trong mùa đông thời tiết rét như hiện nay khiến số lượng bệnh nhân đột quỵ có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, khoảng 30 bệnh nhân vào khoa Cấp cứu vì đột quỵ.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% tử vong và 90% số người sống sót gặp di chứng về thần kinh và vận động. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ hàng năm còn nhiều hơn số người chết do 3 căn bệnh: AIDS, lao và sốt rét cộng lại.

Theo PGS Tôn, nhiều bệnh nhân đột quỵ ở vùng nông thôn do hiểu biết còn hạn chế nên thường được đưa đến viện muộn hoặc người thân sơ cứu không đúng cách khiến bệnh càng thêm nặng.

Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, chúng ta cần nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, muộn nhất là trong 6 giờ đầu để được điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều gia đình chủ quan, thiếu hiểu biết không đưa người đột quỵ đi cấp cứu nhanh chóng. Thậm chí, nhiều người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, dẫn đến suy hô hấp do viêm phổi, ngừng tim trước khi đến bệnh viện.

PGS Tôn hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: HQ.

Cách kiểm tra người đột quỵ

Theo PGS Tôn, bệnh nhân đột quỵ thường xuất hiện triệu chứng đột ngột như đột ngột hôn mê, mất ý thức, mất thăng bằng, không phối hợp động tác...

Khi chúng ta nghi ngờ một người nào đó bị đột quỵ có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên. Nếu họ không giữ được thăng bằng thì cần chuẩn bị sơ cứu ngay lập tức. Ngoài ra, bệnh nhân lúc nào cũng không thể huýt sáo khi được yêu cầu, không thể nói hoặc nói bị méo tiếng, mặt méo,…

“Bệnh nhân có 3 triệu chứng trên, 90% mắc đột quỵ. Nhận biết điều này rất quan trọng để cứu sống họ”, PGS Tôn khuyến cáo.

Sơ cứu giành giật sự sống cho người đột quỵ

PGS Tôn nhấn mạnh bệnh nhân đột quỵ là một cấp cứu nội khoa nên cần phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Gia đình cần gọi cấp cứu 115 nhanh nhất. Trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế, chúng ta phải tiến hành sơ cứu bệnh nhân.

Để bắt đầu, bạn nên đặt bệnh nhân nằm gối cao 30-45 độ, nới lỏng quần áo của họ. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải có cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Nếu bệnh bị nôn, nên xoay mặt họ sang một bên để chống sặc. Trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật, lấy đũa quấn xung quanh một chiếc khăn rồi để ngang miệng giúp bệnh nhân không cắn vào lưỡi. Người thân cần chú ý tuyệt đối không cho người bị đột quỵ ăn uống.

Đột quỵ có thể xảy ra bất kể lứa tuổi khác nhau, vì thế nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra sức khỏe để dự phòng yếu tố nguy cơ, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Những bệnh nhân đã bị đột quỵ lần 1 thì nguy cơ bị lần 2 rất cao. Do đó, họ cần được giám sát chặt chẽ y tế để điều trị yếu tố nguy cơ. Hàng ngày, người bệnh nên có 30-45 phút vận động để giảm thiểu nguy cơ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức đột quỵ thế giới, 6 người trong chúng ta thì có một người nguy cơ sẽ bị đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và tỷ lệ này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Sau đột quỵ, cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Theo Zing

Các tin cũ hơn