Sau những ngày “lũ cạn”, dân đầu nguồn An Phú, Tân Châu đang "mỏi tay" bắt cá, tôm do nước lũ từ thượng nguồn tràn về mang theo nhiều sản vật. Lũ muộn, ngư dân lại có thêm thu nhập từ các mô hình sinh kế cải thiện đời sống.
Mạnh tay quăng chiếc chài vẽ thành vòng tròn vào khoảng không trước khi nó rơi tỏm xuống nước, anh Ngô Văn Hải, người dân phường Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc), xởi lởi: “Mấy ngày nay mực nước lũ chựng lại nên cá, tôm cũng về nhiều hơn. Từ đầu mùa đến giờ, tui lặn lội suốt mà không kiếm được bao nhiêu. Hổm rày, nước lên cao hơn nên đi từ sáng sớm tới trưa cũng được vài ký cá mang ra chợ bán, kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, gia đình cũng đắp đổi qua ngày chứ không phải lo lắng như mấy tháng trước”.
Ngoài anh Hải còn có vài “đồng nghiệp” cũng mang chài ra ngã ba giao nhau giữa rạch Cây Gáo và kênh Vĩnh Tế để đón luồng cá. Trên chiếc sàn mấp mé mí nước, họ cứ đứng đó mà quăng chài từ sáng đến trưa. Tuy vất vả nhưng vì lũ đã hào phóng hơn nên ai cũng “cơm nắm, cơm vắt” bỏ theo để mong bắt được nhiều cá, cải thiện thu nhập gia đình. “Mấy ngày nay đã thấy mặt cá lăng, cá heo nước ngọt, cá trèn, mè vinh… mà “số một” vẫn là cá linh. Cá linh bây giờ đã lớn bằng ngón tay cái, còn mấy loại khác cũng trọng trọng hết rồi. Nếu may mắn chài dính chục con tôm thì coi như trúng mánh!” - anh Hải thật tình.
Chài lưới mùa “lũ muộn” |
Đưa chiếc xuồng lườn lặng lẽ cặp bến nước dọc kênh Vĩnh Tế, anh Võ Văn Hoàng, người dân xã Vĩnh Tế (TP.Châu Đốc) chia sẻ: “Hổm rày nhờ trời mưa nên dân câu lưới cũng đỡ khổ. Thiệt ra, đến tháng này nước đã muốn vực nhưng nhờ trời mưa đều nên ngoài đồng vẫn còn đầy ăm ắp. Nhờ nước “cầm” nên con cá cũng có thời gian để lớn trước khi nuôi sống dân theo “nghề bà cậu”. Hồi đầu mùa nước, mỗi ngày tôi giăng chục tay lưới dọc kênh Vĩnh Tế mà chỉ kiếm được 2 - 3kg cá hủn hỉn. Bây giờ, lượng cá tăng lên gấp hai, ba lần nên thu nhập cũng đỡ hơn. Có bữa được hơn chục ký cá mang ra chợ bán kiếm khoảng 150.000 đồng/ngày”.
Theo chia sẻ của anh Hoàng, những ngày mưa dầm cá không đi nên dân câu lưới cũng không động đến bổn nghệ. Mưa dứt, cá bắt đầu kiếm ăn thì họ cũng bắt tay vào cuộc mưu sinh.
Những năm gần đây, nước lũ không lớn nhưng người theo nghề câu lưới cũng kiếm được kha khá nhờ giá cá đồng khá cao. Đặc sản phổ biến mùa lũ như cá linh vẫn có giá 15.000 - 18.000 đồng/kg (khi vào mùa cao điểm), còn những loại cá khác thường có giá trên 60.000 đồng/kg. Nếu bạn hàng mua “xô” (mua hết số cá mà không phân loại và kích cỡ) thì mức giá cũng tầm 20.000 đồng/kg, nhờ đó ngư dân có thêm mớ tiền rủng rỉnh trong túi.
Không mê “cá trắng” như anh Hoàng, ông Trịnh Văn Thùy, người dân xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) lại gắn bó với nghề đặt lọp cá lóc hơn 30 năm. Mùa nước nổi năm nào ông Thùy cũng chống xuồng men theo mấy tuyến kênh ở xã Thạnh Mỹ Tây và một số huyện lân cận để đặt lọp cá lóc. Mùa nước này, ông Thùy chở lọp đến kênh Trà Sư (Tịnh Biên) để đặt.
Ông cho biết: “Năm trước nước ít quá nên tui không lên đến đây. Mùa này nước cao hơn nên mình ráng chống chèo để kiếm thêm thu nhập. Vì ngoài đồng nước còn ngập lênh láng nên tui mang theo 50 cái lọp để kiếm ăn”. Theo chia sẻ của “lão ngư” này, mỗi ngày ông kiếm được 2- 3kg cá lóc đủ cỡ, mang ra chợ bán xô cho bạn hàng với giá 80.000 đồng/kg. Nếu trừ sở hụi, ông Thùy vẫn kiếm gần 200.000 đồng/ngày.
Trong ký ức của ông Thùy, cánh đồng dọc tuyến kênh Trà Sư này vốn là “giang sơn” của cá. “Hồi trước tui đặt chừng 20 cái lọp là hôm sau kiếm được mấy chục ký cá lóc. Bây giờ, đặt tới 50 chục lọp mà số cá tính ra chỉ bằng đặt 2- 3 cái lọp của thời điểm chục năm về trước. Nhờ cá đồng bây giờ có giá nên tui vẫn còn sống được với nghề này” - ông Thùy thiệt tình.
Hiện, ông Thùy và những hộ dân chuyên sống nhờ vào mùa lũ vẫn đang đợi đến tháng 11 âm lịch, khi ngọn gió bấc vi vu thổi qua những cánh đồng trắng nước, lúc ấy lũ sẽ còn hào phóng hơn bây giờ. Thời điểm đó, thu nhập của dân câu lưới sẽ còn tăng cao, bởi nước lũ sẽ bắt đầu rút khỏi những cánh đồng và con cá, con tôm cũng sẽ xuôi dòng ra sông lớn.
Theo NLĐ