|
Cỏ máu gùi ra khỏi rừng ở Trường Sơn. |
"Thần dược" bí truyền của người Rục?
Ông Cao Xuân Tình, một thầy lang người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa khẳng định như đinh đóng cột: Công dụng của cây cỏ máu ẩn mình trên dãy Trường Sơn là do thủy tổ của người Rục phát hiện. Tộc người Rục tồn tại được cho đến ngày nay trong điều kiện khắc nghiệt “ăn lông, ở lỗ” trong các hang đá, giữa đại ngàn Trường Sơn là nhờ cây cỏ máu.
Theo ông Tình, gọi là cây cỏ máu nhưng thực chất nó là một loại dây leo, thân to bằng bắp chân, bắp tay người lớn, cứng như gỗ, sống theo dạng tầm gửi ở những cánh rừng nguyên sinh trên những lèn đá của dãy Trường Sơn. Tên bản địa của loài cây này theo người Rục là cây A Xia, nhưng do nhựa của nó có màu đỏ như huyết nên người dân các vùng khác gọi là cây cỏ máu.
Với người Rục, cây cỏ máu được xem như một loại thần dược mà mẹ thiên nhiên hào phóng ban tặng. Thủy tổ của người Rục xưa, khi còn sống trong hang đá đã biết công dụng của cây cỏ máu. Họ dùng sắc nước uống hàng ngày như người miền xuôi uống nước chè xanh vậy. Và nay, khi đã về định cư ở thung lũng Rục Làn, người Rục đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống, sức khỏe đã có bác sỹ Tây y chăm sóc, nhưng cây cỏ máu nấu nước uống hàng ngày vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình người Rục.
Người Rục tin, cây cỏ máu, với màu nước khi sắc lên đỏ như máu ấy có thể bổ âm, kích dương, thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe, tái tạo tế bào mới… Đặc biệt, đối với phụ nữ sau khi sinh, mất nhiều máu, uống cỏ máu vào sẽ bù đắp lượng máu đã mất. “Nước cỏ máu lúc mới uống vào có vị chát nhưng sau đó ngọt dần trong miệng. Không chỉ bồi bổ sức khỏe, cỏ máu dùng chữa đau bụng hay tắm cho trẻ con rất tốt. Đàn bà ở đây sau khi đẻ nó chỉ cần uống nước cỏ máu, khoảng ba ngày là có thể ngồi dậy đi mần (làm) việc rồi, không cần kiêng cữ cả tháng trời như ở dưới xuôi mô…” – ông Tình nói.
|
Nghề tìm cây cỏ máu đang phổ biến ở miền núi Quảng Bình |
Không biết khẳng định của ông Tình đúng đến đâu, nhưng thực tế thì các tộc người thiểu số sống dọc dãy Trường Sơn của Quảng Bình như: Vân Kiều, Ma Coong, A Rem, Khùa, Mày, Mã Liềng… đều biết công dụng và dùng nước cây cỏ máu hàng ngày như một loại thần dược để bồi bổ sức khỏe và kết hợp với nhiều loại cây rừng khác để chữa bệnh.
Người ta đồn rằng, con gái ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa có vóc dáng thanh tú, làn da trắng như tuyết, tóc đen dài chấm gót là nhờ uống và tắm cây cỏ máu. Họ cho rằng, khi người mẹ sinh đẻ, uống cây cỏ máu, đứa trẻ ngay khi sinh ra đã được uống tinh chất của cây cỏ máu qua dòng sữa mẹ. Sau đó chúng được tắm và uống nước cây cỏ máu hàng ngày nên ở đây được mệnh danh “miền gái đẹp” là vậy.
Ồ ạt khai thác cây cỏ máu
Ông Cao Xuân Tư, Trưởng bản Ón của người Rục cho biết: Khoảng nửa năm lại đây, không hiểu sao thương lái dưới xuôi ồ ạt lên thu mua cỏ máu, từ chỗ 500 đồng/kg tươi, nay lên 2.000 đồng/kg tươi. Gặp buổi khó khăn, có tiền nên người dân ồ ạt vào rừng tìm cỏ máu về bán. “Có bao nhiêu là họ mua hết, kể cả cỏ máu khô gác trên bếp mấy năm rồi họ cũng mua. Nghe họ nói với nhau là xuất bán đi Trung Quốc”.
Không chỉ người Rục, mà đồng bào dân tộc dọc dãy Trường Sơn Quảng Bình cũng đang ồ ạt lên rừng chặt cây cỏ máu về bán cho thương lái. Ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh hầu hết đàn ông, phụ nữ của tộc người Vân Kiều ào ạt vào rừng để tìm cây cỏ máu. Bình quân mỗi người, sau 1 ngày săn tìm cỏ máu có thể mang về chừng 50kg, bán được 100 nghìn đồng.
Ông Hồ Vinh, một người Vân Kiều chuyên săn tìm cỏ máu ở xã Trường Sơn tâm sự: Ngày xưa cỏ máu mọc ngay các vách đá sau hồi nhà, chỉ cần đi chừng tiếng đồng hồ về là cả nhà uống cả tháng không hết. Nhưng nay thì khác, người mua nhiều, nên cây cỏ máu cũng hiếm dần, phải đi mất cả ngày mới có được một bó cỏ máu mang về. “Không biết họ mua làm chi mà nhiều rứa không biết. Tình hình ni khoảng vài tháng nữa là hết cây cỏ máu chú à. Người Vân Kiều rồi sẽ không còn cỏ máu để uống nữa. Biết cỏ máu quý cho sức khỏe đó, nhưng mà giờ ai cũng cần tiền thì biết làm sao. Thôi đến mô hay đến đó chú hè!” – ông Vinh bộc bạch.
Vác trên vai một bó cỏ máu to hơn người, chị Hồ Thị Lài vừa đi vừa nói: “Cũng may mà họ ăn (mua) cỏ máu mà dân có đồng vô đồng ra, chứ ở đây không biết làm chi ra tiền chú à. Nhà tui ba người, ngày mô cũng vô rừng tìm cỏ máu, cũng kiếm được ba, bốn trăm nghìn. Như cái vác ni cũng được hơn một trăm nghìn nì”.
|
Nông nhàn, nam phụ lão ấu đều vào rừng khai thác cỏ máu bán cho thương lái |
Hỏi chuyện cách thức khai thác, chị Lài cho biết: Cây cỏ máu thường sống ở các khu vực nguyên sinh trên núi đá. Nó là dạng dây leo nên có khi bò dưới đất, có khi cuốn vào cây gỗ khác để sinh tồn. Người dân đi khai thác chỉ cần dùng rựa, hoặc rìu chặt cây cỏ máu ra nhiều khúc, bó lại rồi vác về. “Nói thì nghe dễ rứa nhưng mà để có một vác cỏ máu vất vả lắm chú ơi! Bọn tui phải đi từ sáng sớm, mang theo cơm, trèo hết đèo này sang dốc khác mới tìm ra cỏ máu. Nếu may mắn thì gặp được nhiều cây một chỗ, còn không là phải đi mót hết chỗ ni sang chỗ khác mới được một bó cỏ máu mang về” – chị Lài nói.
Chị Lài tiết lộ, đa số người Vân Kiều đều có ý thức bảo vệ rừng, chỉ lấy cây cỏ máu chứ không phá rừng. Nhưng có một số thanh niên, nhác leo trèo, để cho tiện, thường đốn cả cây gỗ cho ngã xuống rồi chặt lấy cỏ máu mang về.
Hỏi về trách nhiệm của chính quyền trong việc người dân ào ạt vào rừng tìm cỏ máu, có nguy cơ xâm hại rừng, một lãnh đạo xã Trường Sơn tâm sự: “ Nói thiệt với chú, biết dân vào rừng nhiều thì kiểu gì cũng ảnh hưởng đến rừng, nhưng xã không thể ngăn cấm. Dân đang khó khăn, cần tiền mà mình mà ngăn cấm thì không nỡ lòng nào. Xã cũng biết, thương lái lợi dụng sự thật thà của dân để ép giá, chứ họ đưa về xuôi bán kiếm lời gấp hàng chục lần”.
Tìm hiểu từ các thương lái, giá bán xuất đi Trung Quốc mỗi kg cỏ máu lên đến vài trăm nghìn đồng/kg. Trong lúc đó, rất nhiều trang mạng về Đông y của Việt Nam, rao bán 1kg cỏ máu khô lên đến 500 nghìn đồng.
Theo Đông y, cây cỏ máu có tên Kê Huyết Đằng, lá kép, cụm hoa hình chùy ở ngọn dài 15 – 20cm. Hoa màu đỏ dài 15mm, xếp rất sít nhau. Quả màu đỏ nâu dài 12cm, có 36 hạt. Chặt cây có nhựa màu đỏ chảy ra như máu. Thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 8-10. Chặt cây về, cắt bỏ cành lá, chọn thứ to, chắc. Công dụng của Kê Huyết Đằng: Hành huyết bổ huyết, điều kinh, thư cân hoạt lạc, bổ trung táo vị, bổ ứ huyết, sanh huyết mới, lưu lợi kinh mạch, trị thử sa, phong huyết tý chứng, bổ huyết tính cường tráng, thích hợp dùng chứng tê liệt thần kinh tính thiếu máu, như tay chân và eo lưng gối mỏi đau, tê dại, phụ nữ kinh nguyệt không đều, nguyệt kinh bế ngừng v.v…, có công hiệu hoạt huyết trấn thống. |
Theo Tiền Phong