Thời gian gần đây, câu hỏi làm sao để có lương khởi điểm 2.000 USD của một nữ sinh khiến dư luận quan tâm, tranh cãi. Đây là mức thu nhập mơ ước, là mục tiêu của phần lớn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Không ít bạn trẻ đã đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và học tập. Những nghề đem lại mức lương cao, việc nhẹ thường ở các ngành dịch vụ như PG, tiếp viên quán karaoke, MC sự kiện…
Với những nghề này, sinh viên có thể có thu nhập cả nghìn USD một tháng. Tuy nhiên, các bạn trẻ (đặc biệt là nữ) phải đối mặt với nhiều rủi ro, dễ bị quấy rối, xâm hại tình dục bởi tính chất công việc đặc thù, nhạy cảm.
Đây cũng là chủ đề được sinh viên quan tâm, chia sẻ nhiều trong buổi tọa đàm với chủ đề Phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em tổ chức tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền vào chiều 1/12.
Mạnh dạn tâm sự về lần bản thân bị quấy rối khi làm MC sự kiện, Đỗ Hương Giang (sinh viên năm cuối, ngành Công tác xã hội, Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho hay cô rất khó chịu trước những hành vi này.
Giang kể sau các sự kiện cô dẫn chương trình, cô phải đi tiếp khách ở buổi tiệc. Những người đó thường lớn tuổi, có chức quyền, địa vị trong xã hội.
Tuy vậy, họ lại có hành động khiếm nhã với Giang như nắm tay, vuốt má, trêu chọc... Khi ấy, cô phản ứng bằng cách gạt tay người đó ra, cười trừ và báo với ban tổ chức.
“Tôi không thể phản ứng gay gắt với khách vì còn phải giữ công việc của mình. Tôi luôn tự hỏi liệu có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này hay không?”, nữ sinh đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia.
Đỗ Hương Giang chia sẻ về việc bị quấy rối tình dục khi làm việc. Ảnh: Hoàng Như. |
Không bị quấy rối bằng hành động như Giang, song Lan Hương (sinh viên năm 3) lại phải chịu những lời nói đùa tục tĩu, xúc phạm.
Hương kể cô và người yêu làm thêm một chỗ. Khi bạn trai không làm cùng ca, nữ sinh bị những bạn nam khác trêu chọc về "chuyện chăn gối" khiến cô rất tức giận.
Hương gay gắt yêu cầu họ dừng lại nhưng không được. Sau khi Hương báo cáo chuyện này lên quản lý, tình trạng có giảm đi song không dứt điểm. 9X không thể bỏ việc vì nó mang lại thu nhập khá, phù hợp và không quá vất vả.
Một nữ sinh giấu tên khác giãi bày câu chuyện của mình khi chấp nhận nghề tiếp thị bia vào ban đêm tại các quán nhậu. Cô cho rằng công việc đó đem lại mức thu nhập cao, giúp cô trang trải tiền sinh hoạt, học phí, đỡ đần cha mẹ ở quê.
Nhiều lần, nữ sinh bị khách trong quán sàm sỡ, trêu đùa bằng những lời thô tục. Tuy nhiên, cô đành chấp nhận, không phản ứng gì gay gắt vì không thể để mất việc.
Thiếu nữ buồn bã tâm sự có lẽ cô sẽ chấp nhận và quen dần với việc bị quấy rối để duy trì công việc cho đến khi ra trường.
Trước những chia sẻ của sinh viên về việc bị quấy rối tình dục khi đi làm thêm, thầy Lưu Hồng Minh (Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí - Tuyên truyền) nhận định đây là thực trạng xảy ra rất nhiều trong thực tế.
Nam giảng viên khuyên nữ sinh phải thay đổi thái độ của bản thân trước những hành vi đó.
“Các em cần phản ứng mãnh liệt, gay gắt với hành động quấy rối mình. Trước hết, hãy thể hiện thái độ qua nét mặt để người kia biết các em không thích, bực mình và muốn họ chấm dứt hành động.
Khách mời tại buổi tọa đàm trao đổi về giải pháp ngăn chặn bạo lực tình dục. Ảnh: Hoàng Như. |
Các em phải nói với những người xung quanh, người có quyền lực hơn để họ nhắc nhở người quấy rối. Đồng thời, vận động những người khác đấu tranh chống lại hành vi quấy rối tình dục.
Nếu các em cứ im lặng chấp nhận, những hành vi đó không bao giờ chấm dứt, thậm chí sẽ phát triển và gây tổn hại nặng nề đến chính bản thân các em”, thầy Minh cho hay.
Thầy giáo khuyên sinh viên đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi những giá trị của bản thân, đó là quyền được bình đẳng, tôn trọng.
Về vấn đề chọn việc làm thêm, thầy Minh nhắn nhủ: “Các em hãy chọn nơi phù hợp, an toàn để mình vừa có thể cống hiến năng lực cho xã hội, vừa thu được lợi ích kinh tế mà không bị quấy rối tình dục.
Các em phải đấu tranh lâu dài cho sự tiến bộ của xã hội chứ không chỉ vì lợi ích của cá nhân”.
Theo thống kê của tổ chức Action Aid và Plan tại Việt Nam, 87% phụ nữ từ TP.HCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Đồ họa: Hoàng Như. |
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - khuyên các nữ sinh không thỏa hiệp với kẻ quấy rối tình dục.
Bà Vân Anh kêu gọi mọi người ngừng đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, thay vào đó lên án và đưa ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Bà chia sẻ theo thống kê, có 87% phụ nữ ở TP.HCM, Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng và 69% người chứng kiến im lặng.
Theo bà Vân Anh, những nạn nhân và người chứng kiến không nên im lặng trước hành động quấy rối tình dục, bởi như thế sẽ khiến cho thực trạng này không thể chấm dứt mà còn trở nên phổ biến, xem như điều bình thường.
Theo Zing