Công bố bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống đầu tiên

Thứ hai, 16/01/2017, 11:05
Chiều 15/1, Câu lạc bộ nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống đầu tiên của Việt Nam.

Thuật ngữ và quy trình sản xuất nước mắm truyền thống trong bộ tiêu chuẩn này được định nghĩa lại. Cụ thể, đây là loại chất lỏng trong, không có cặn lơ lửng, mùi đặc trưng của cá biển lên men trong muối mặn kéo dài ít nhất 9 tháng.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm nước mắm được sản xuất từ việc lên men tự nhiên từ hỗn hợp cá biển tươi và muối biển đạt tiêu chuẩn dùng làm thực phẩm. Đồng thời, không áp dụng cho các loại nước mắm pha loãng làm giảm độ muối, đồng thời bổ sung các loại phụ gia như phẩm màu, hương liệu, chất tạo sánh và các chất bảo quản.

Nước mắm đạt tiêu chuẩn có thể dùng làm nước chấm trực tiếp hoặc gia vị thực phẩm phải được chế biến từ các loại cá biển tươi, muối biển và nước hợp vệ sinh, kèm chất điều vị và tạo ngọt theo quy định của Bộ Y tế.

Nước mắm truyền thống được định nghĩa là loại chất lỏng trong, không có cặn lơ lửng, mùi đặc trưng của cá biển lên men trong muối mặn kéo dài ít nhất 9 tháng. Ảnh: Đình Hòa.

Bộ tiêu chuẩn này cũng phân hạng nước mắm làm 3 loại, dựa theo độ đạm và các chỉ tiêu cảm quan như màu sắc, độ trong, mùi vị và tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường. Trong đó, tất cả các hạng nước mắm này bắt buộc phải có màu từ nâu cánh gián đến nâu vàng, không có cặn vẩn, mùi lạ và tạp chất xen lẫn.

Loại nước mắm xếp hạng “Đặc biệt” theo bộ tiêu chuẩn này phải đạt độ đạm lớn hơn hoặc bằng 35gram/lít và có vị ngọt đậm của đạm cá thủy phân thành các axit amin, hậu vị rõ. Những nước mắm xếp hạng thấp hơn là “Thượng hạng” và “Hạng 1”, các tiêu chí về độ đạm ít khắt khe hơn, có thể dao động trong khoảng từ 15-35gram/lít, độ ngọt và hậu vị ít hơn.

Bộ tiêu chuẩn cũng quy định nước mắm truyền thống bày bán trên thị trường bắt buộc tối thiểu phải có dòng chữ “nước mắm truyền thống” và hàm lượng đạm toàn phần.

Đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất để phân phối thì phải có thêm logo nước mắm truyền thống, tên loại cá dùng để sản xuất, địa chỉ cơ sở, chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu thành phần và hạn sử dụng…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết các tiêu chuẩn được soạn thảo dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã và đang thực hiện. Bộ tiêu chuẩn chỉ bổ sung một số yếu tố để đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất mới.

Cũng theo ông Hòe, việc ra đời bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh thị phần gay gắt giữa nước mắm tiếp truyền thống và nước chấm công nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cần có một kênh để tiếp cận và chia sẻ những giá trị của ngành nghề đang dần bị mai một.

Cũng tại lễ công bố bộ tiêu chuẩn này, 4 hiệp hội nước mắm truyền thống gồm Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, TP.HCM và một số doanh nghiệp nước mắm truyền thống ở phía Bắc đã liên kết lại thành “Câu lạc bộ nước mắm truyền thống”, trực thuộc VASEP.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường nước mắm ước tính có giá trị khoảng 4,5 tỷ USD và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn từ 2016 đến 2021.

Trong đó, thị trường nước mắm Việt Nam được định giá vào khoảng 501 triệu USD, với sản lượng hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất trong năm 2015. Mỗi năm có hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ, trung bình một người Việt sử dụng 4 lít nước mắm mỗi năm.

Giá trị một chai nước mắm công nghiệp đang ở khoảng 1-2 USD, trong khi nước mắm truyền thống độ đạm cao và thuần chất có thể lên đến 9 USD. Hiện chỉ có 2 địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý nước mắm, là Phú Quốc và Phan Thiết.

Theo Zing

Các tin cũ hơn