Tết Đinh Dậu 2017, hãng này đã lên kế hoạch tăng khoảng 1.500 chuyến bay và mở bán hơn 1,5 triệu vé trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 15/2. Không chỉ tăng chuyến, Vietjet Air còn quyết định giảm 40% giá vé các chuyến bay đêm
Theo tìm hiểu, đến nay, hầu hết chuyến bay đều đã bán hết vé trong khi nhu cầu không ngừng tăng cao. Hiện mới có hơn 100 tàu bay của 3 hãng lớn trong khi lượng hành khách quá đông. Do vậy, các hãng bắt đầu chuyển sang hướng bay đêm để không bỏ lỡ cơ hội “hốt bạc” này.
Nếu như trước đây, Vietnam Airlines chỉ định sử dụng tàu bay thân rộng như Boeing 787, Boeing 777, Airbus A350, A330 có khả năng chuyên chở nhiều hơn trong 1 lần cất cánh thì nay họ còn bố trí thêm các chuyến bay có giờ cất cánh vào ban đêm, hoặc tăng cường sử dụng đội tàu bay A321 trẻ, hiện đại để phục vụ khách.
Vietjet Air nâng giá vé bay đêm lên gần 10 lần rồi giảm 40% để "hút khách". Ảnh: Hoàng Hà. |
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Vietjet Air cho rằng tâm lý của khách là đi máy bay ban đêm còn sướng hơn ngồi tàu ba mươi mấy tiếng. Chưa kể, ban đêm có nhiều cái thuận lợi như không bị tắc đường.
“Do vậy tôi nghĩ ngay cả khi bán giá cao thì người có nhu cầu vẫn mua”, vị này khẳng định.
Đúng như những gì đại diện Vietjet Air đánh giá, ngày thường nếu bay đêm cũng chỉ mất 399.000-900.000 đồng/chặng, thậm chí khứ hồi, thì vào dịp Tết, giá vé của hãng đội lên 3,8 triệu đồng (gấp gần 10 lần), sau đó giảm giá 40% còn hơn 2 triệu đồng mà vẫn “cháy hàng”.
“Chúng tôi chỉ giảm 40% giá vé các chuyến bay đêm vào dịp Tết, còn sau đó vẫn tính như thường. Sở dĩ phải giảm 40% vì vé Tết chiều ra thường rất đắt. Thật ra với giá vé như trên cũng đủ bù chi phí hết, chẳng có vấn đề gì, chỉ giảm lợi nhuận đi thôi. Ngay trong ngày đầu mở bán (12/1), chúng tôi đã bán hết 70% tổng số vé”, vị này nói.
Đại diện này nói thêm đặc thù là ngày Tết có tình trạng lệch đầu nên giá vé sẽ được tính để bù đắp.
“Giờ mà hỏi giảm 40% so với giá nào thì chúng tôi không thể giải thích được, vì dải giá của Vietjet có hơn 20 mức khác nhau. Chúng tôi chỉ có thể nói là giảm 40% so với giá trần áp dụng vào dịp Tết, và cũng không giảm giá đồng loạt mà chỉ giảm cho số lượng những vé khuyến mại nhất định”, vị này nhấn mạnh.
Nói về việc chưa thể bay đêm nhộn nhịp như ban ngày để đáp ứng nhu cầu của hành khách, đại diện Vietjet Air cho hay còn phải chờ xin cấp phép từ Cục Hàng không.
“Ban đầu chúng tôi đề xuất bay đêm các đơn vị cung ứng dịch vụ như bên Cảng Hàng không, cũng không muốn làm đêm. Đối tượng phản ứng chủ yếu là người lao động.
Trong khi đó, ở nước ngoài, kể cả sân bay nội địa và quốc tế đều hoạt động cả đêm, không sân bay nào nghỉ ban đêm cả. Chuyện này chỉ có ở Việt Nam. Người ta cứ đổ do xe buýt, taxi không hoạt động phục vụ khách, chứ tôi nghĩ nếu có khách, họ sẽ hoạt động cả đêm”, đại diện hãng cho biết.
Theo vị này, phi công, tiếp viên đã vào ngành là phải chấp nhận làm việc 24/24, bất kể giờ nào và điều đó đã được đưa vào luật. Do vậy làm đêm với ngành hàng không là chuyện bình thường.
Một khó khăn nữa khiến các hãng chưa thể bay đêm, theo Vietjet Air là tại nhiều sân bay ở Việt Nam, phụ phí ban đêm lại cao hơn cả ban ngày.
“Để giảm giá hơn nữa cho các chuyến bay đêm cần có sự phối hợp và điều chỉnh giá của các đơn vị cung cấp như Cảng Hàng không, từ giá cất - hạ cánh, giá sân đỗ, giá dịch vụ phục vụ mặt đất…
Muốn hiện thực hóa chuyện này, các Bộ, ngành phải đưa ra chủ trương, các đơn vị dịch vụ (sân đỗ, dịch vụ cung ứng) phải làm theo. Hơn nữa cũng cần tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng của hành khách”, vị này đề xuất.
Được biết sau chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vào sáng 11/1 vừa qua, Cảng Hàng không, đơn vị cung cấp các dịch vụ bay đang cân nhắc giảm giá dịch vụ vào ban đêm để khuyến khích bay đêm.
Theo Zing