|
Từ phía xa, bên kia thảm hoa điệp rơi vàng rực rỡ nơi góc đường, một doanh nhân trẻ ngồi trầm lặng uống trà chiều và ngắm nắng hoàng hôn Sài Gòn xuyên trên từng tán lá xanh. Trong tay ông là chiếc bút bi nhỏ và trước mặt là tờ giấy trắng. Mặc dù được cộng đồng kinh doanh địa ốc quốc tế và chính khách nước Đức vị nể bởi một tư duy chiến lược sắc bén cùng khối tài sản nhiều tỉ đôla, vị doanh nhân người Đức gốc Việt này lại có sở thích “thuần Việt” là viết chữ nghệ thuật.
Giới tài phiệt gọi ông là đại gia, giới doanh nhân hải ngoại vị nể ông như một tài năng kinh doanh mang tầm vóc thế giới. Nhưng những người thân tín của ông Mai Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SAPA Thale GmbH, lại hóm hỉnh nhận định ông hợp với danh xưng “võ sĩ tỉ phú ẩn danh”.
Thương vụ lớn và cây bút bi
Nước Đức nổi tiếng là quê hương của các tỉ phú “kín tiếng” và ông Minh không phải là một ngoại lệ. Sống trong dinh thự bằng đá quý nguyên khối có giá trị tương đương như biệt thự của tài phiệt Mexico Carlos Slim hay ông trùm mạng xã hội như Mark Zuckerberg, nhưng những ai từng tiếp xúc thấy ông Minh từ tốn và có thần thái điềm đạm của một học giả. Ông Minh không bật mí trị giá khối tài sản lớn của bản thân nhưng lại chậm rãi kể lại câu chuyện ngụ ngôn được nghe thời niên thiếu mà theo ông là nguồn gốc của tất cả thành công hiện tại.
Chuyện kể về 2 người hàng xóm cùng làm nghề tiều phu đốn củi, một giành cả đời than vãn về sự nghèo khó và một người ngay cả khi phá sản không rõ nguyên nhân nhưng vẫn vươn lên bằng việc tạo nhóm tiều phu làm việc cùng mình, cần mẫn tìm kiếm trị trường bán củi giá cao hơn anh hàng xóm.
Trải qua nhiều năm xa quê, “chàng tiều phu” Mai Vũ Minh năm xưa nay đã nổi danh trong lĩnh vực cho thuê, quản lý bất động sản, khách sạn, đến kinh doanh giáo dục hay đầu tư công nghệ cao. Khi đã được xếp vào hàng ngũ những “tỉ phú ẩn danh” của nước Đức (những đại gia có mức thu nhập cao gấp hơn 130.000 lần so với thu nhập bình quân đầu người hằng năm của cả nước Đức là khoảng 32.000 USD), thì ông Mai Vũ Minh đã “mô hình hóa” bí quyết thành công của mình đơn giản bằng nguyên lý “tam trụ”.
|
Theo đó, muốn thành công toàn diện cần trụ đỡ 3 nền tảng là thể lực, trí lực và tâm lực. Trong đó, kiến thức là điểm mấu chốt quan trọng nhất để giữ lửa thành công đối với một cá nhân, nhưng để trở thành nhà quản trị điều hành tầm cỡ thì rèn luyện tâm lực mới là điều quan trọng nhất.
“Đã từ lâu, hầu như các quyết định kinh doanh quan trọng của tôi đều dựa vào đây cả”, ông Minh chỉ tay vào bên ngực trái của mình giải thích: “Kể cả trên phạm vi toàn cầu, tầm vóc doanh nhân phụ thuộc vào cái tâm hơn cái tài. Bởi lẽ, muốn hành xử cho đúng với một chén cơm, cho ai, cùng ăn với ai, điều mà doanh nhân phải làm chủ đầu tiên là cái tâm của mình”.
Một cách lạ biệt rất riêng, người con gốc Việt từ những ngày đầu xa xứ lại “luyện tâm” thông qua việc “luyện tay”. Là người luyện võ Judo, mỗi bước đi của ông trùm địa ốc gốc Việt thường lướt nhanh mà không phát ra tiếng động. Ông tâm sự: “Nhiều người nhầm tưởng lấy yếu mà đánh mạnh chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, nhất là trong thương trường”. Luyện võ mỗi ngày khiến cho triết lý của Judo “lấy nhu thắng cương, mượn sức đánh sức” ngấm vào suy nghĩ và triết lý sống của ông từ thủa còn hàn vi.
Lát cắt về sự khắc nghiệt của cạnh tranh tại thị trường bất động sản Việt Nam, đang có quy mô tín dụng toàn ngành khoảng 21 tỉ USD, có lẽ khiêm tốn hơn nhiều so với sức ép của ngành này tại châu Âu (chỉ xét riêng quy mô giao dịch năm 2015 tại Đức đã là 53 tỉ USD). Hai năm trước, cộng đồng địa ốc dậy sóng trước thương vụ Công ty SAPA Thale của ông chủ Việt kiều thâu tóm tòa nhà tập đoàn công nghệ cơ khí lớn nhất của nước Đức là Schunck Group.
Mặc dù giá trị hợp đồng mua bán tòa nhà quản lý WHE sau hơn 12 tháng đàm phán, vốn được nhiều chuyên gia đầu ngành địa ốc phỏng đoán trị giá nhiều tỉ USD bởi vị trí đắc địa của tòa nhà, chỉ là “phần nổi” của mạng lưới kinh doanh quy mô mà tỉ phú Mai Vũ Minh đã thiết lập. Cái bắt tay giữa tài phiệt Rainer Witzel, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Schunck Group, với doanh nhân Mai Vũ Minh như lời xác nhận về tầm vóc và tiềm lực của doanh nhân Việt Nam này. Trong lễ ký kết thương vụ lớn đó, vị tỉ phú gốc Việt vẫn lặng lẽ và rất tiết kiệm… nụ cười.
Được biết, SAPA Thale vốn thành lập không lâu trước khi tạo tiếng vang trong thương vụ lịch sử này, trong khi đó nguồn lực sức mạnh của ông Minh lại tập trung ở tập đoàn kinh doanh đa ngành khác mang tên GF200.
Tập đoàn GF200 của vị tỉ phú này sở hữu nhiều dự án giá trị trải rộng trên cả vùng châu Âu rộng lớn cũng như dọc lãnh thổ Đức và được cho là có quan hệ tín hữu với giới chức quốc gia này như Thomas Balcerowski, Thị trưởng thành phố Thale, hay Martin Skiebe, Hạt trưởng tỉnh Harz.
Muốn đánh giá sự hùng mạnh của mạng lưới kinh doanh này, cứ nhìn vào đội ngũ nhân sự tầm cỡ của ông. Ông Minh chọn cách rút lui “ẩn mình” ở cương vị Chủ tịch của SAPA Thale GmbH nhưng lại trao quyền điều hành cho chính trị gia gốc Việt có tiếng tăm trên chính trường Đức. Đó là ông Nguyễn Đắc Nghiệp, Ủy viên hội đồng thành phố Thale, thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
|
Ông Mai Vũ Minh và Nghị sĩ Nguyễn Đắc Nghiệp. Ảnh: vietnamfinance.vn |
“Cuộc sống của tôi tôn thờ chữ Chọn”, vị doanh nhân thành đạt phân trần thuyết “trao quyền” và “tâm trị” trong tôn chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà ông đã duy trì từ những ngày lập nghiệp. Theo ông, ngay cả khi con người muốn sống theo chữ Tâm hay chữ Đức thì quyết định đầu tiên mà họ phải đối diện chính là sự lựa chọn. Qua nhiều năm tháng thăng trầm trong kinh doanh, ông Minh chiêm nghiệm rằng: “Hành trình cuộc sống là mảnh ghép nối dài muôn màu từ chữ Chọn đơn lẻ mà nên”.
Điểm cân bằng giúp ông Minh chuyển dịch từ một thế giới kinh doanh cạnh tranh luôn biến động bên ngoài để đi vào thế giới nội tâm bằng cách: luyện chữ! Không phải điện thoại Vertu, kim cương hay siêu xe mà vật bất ly thân của ngài Chủ tịch SAPA Thale lại dung dị đến bất ngờ là một chiếc bút bi Thiên Long ngòi thanh. Vị doanh nhân kín tiếng này thường chỉ dành ra vài tuần, lâu nhất cũng chỉ vài tháng để dành tâm sức vào những thương thảo những dự án kinh doanh nhiều triệu đô, nhưng sẵn sàng dành trọn vẹn 3 năm trời ròng rã chỉ để… rèn chữ viết.
Viết thư pháp bằng bút lông truyền thống đã là một nghệ thuật. Còn vị tỉ phú trẻ này có niềm vui rèn nết người qua viết chữ với thách thức mới bằng bút bi. Ông nói, số lượng bút bi luyện chữ nét thanh đậm của mình đã lên… vài ngàn. “Tôi đã sáng tạo ra một số mẫu chữ có hồn của riêng mình”, vị tỉ phú trẻ vừa chia sẻ sở thích “ít giống ai”, vừa chậm rãi rút ra một cây bút trong túi áo. Ông hít một hơi, kẹp bút vào giữa ngón trỏ và ngón giữa (giống người ta cầm đũa hơn là cầm bút), nghiêng một góc lớn hơn 45 độ và bắt đầu phóng bút. Vài giây sau, những nét chữ uốn lượn dần hiện ra. Đấy cũng là lúc người ta thấy ông nở một nụ cười hiếm hoi.
Sứ mệnh điểm tựa của startup Việt
Tăng giá dịch vụ của 2 lĩnh vực có ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đồng là giáo dục và y tế (nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát năm 2016 tăng hơn 4 lần so với năm trước) khiến cho tỉ phú Mai Vũ Minh có nhiều suy tư. Lần đầu tiên, kể từ thời điểm hơn một năm trước trở về TP.HCM ra mắt hệ thống giáo dục, tỉ phú “ẩn danh”, cũng là tác giả của hàng loạt những dự án từ thiện lớn tại Việt Nam, mới chia sẻ động cơ thăm quê hương lâu hơn dịp xuân mới này. “Lẽ thường, nhân sinh quan nhỏ thì cái tôi lớn, nếu chỉ là vấn đề tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân thì tôi không cần vất vả lập trường mở lớp tại quê nhà”.
|
Ông Mai Vũ Minh trong dinh thự tại Đức. Ảnh: doanhnhansaigon.vn |
Theo ông, giáo dục chính là nền tảng kiến tạo nên sự thịnh vượng bền vững của một quốc gia. Ngày nay, người trẻ rất đáng thương khi chịu ảnh hưởng quá nhiều luồng thông tin độc trên mạng và họ chơi vơi trong thế giới ảo nhiều thông tin hơn là kiến thức. Do đó, ông cho rằng các doanh nhân, lãnh đạo thành công người Việt nên tích cực tham gia sân chơi chung tại các diễn đàn trẻ để tạo ra cơ hội cho người trẻ được học hỏi và thảo luận với các giới tri thức đi trước.
Chính phủ và các tổ chức tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng người dẫn dắt phải là các nhà khởi nghiệp, doanh nhân. Các nhà đầu tư, các quỹ tăng tốc khởi nghiệp, vườn ươm cũng sẽ có mặt để cùng nghĩ cách làm thế nào để giúp cho các startup phát triển... Cơ hội này sẽ giúp người trẻ nhanh chóng trưởng thành và tránh đi những vấp váp, thất bại không cần thiết. Từ đó, tạo nên một cộng đồng, một hệ sinh thái, cộng đồng kinh doanh của người Việt vững chắc và rộng lớn hơn.
Trong một lần trao đổi với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, ông Minh khẳng định con đường nhanh nhất để mang các thương hiệu Việt vươn đến những thị trường quốc tế phải đi qua cánh cửa duy nhất là “đột phá trong sáng tạo công nghệ”. Rõ ràng, hơn 20% siêu đại gia trong top 100 tỉ phú công nghệ giàu nhất thế giới đến từ châu Á, cho thấy cơ hội rộng lớn của các startup Việt. Với các công ty khởi nghiệp thì ý tưởng và hướng đi đúng là quan trọng nhất. “Tôi đã nhìn thấy sự bứt phá của các bạn trẻ Việt Nam trong tư duy khởi nghiệp khi họ đề cao nhu cầu được chia sẻ kinh nghiệm về thị trường và chiến lược hơn là ưu tiên về vốn như thế hệ đi trước”, ông cho biết.
Trong quá trình đàm phán để hợp tác với các startup trẻ với cương vị là nhà đầu tư, cá nhân ông luôn trân trọng tìm kiếm những dự án được vận hành bằng nhiệt huyết, sự cầu thị và quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Tôi sẵn sàng là điểm tựa, hãy cho tôi niềm tin và tôi sẽ biến niềm tin của các startup thành hiện thực”, tỉ phú Mai Vũ Minh khẳng định quyết tâm tìm kiếm một dự án khởi nghiệp Việt theo mô hình kinh tế chia sẻ để đưa ra thế giới trong thời gian tới.
Theo NCĐT