Lực hút từ Mỹ, lực đẩy từ Trung Quốc
Trước xu thế nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy sang Mỹ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính nhận định, điều này xuất phát từ lực hút của kinh tế Mỹ và lực đẩy của kinh tế Trung Quốc.
Theo đó, đối với nền kinh tế Mỹ, ngay từ khi tranh cử đến khi lên làm Tổng thống, chính sách của ông Donald Trump mang tính dân tộc chủ nghĩa và ông ta muốn các hoạt động đầu tư vào Mỹ phải được đẩy mạnh. Trước hết, các nhà đầu tư Mỹ không mang tài sản cũng như tiền vốn đi đầu tư ở nước khác. Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài mang tài sản và tiền của đầu tư vào Mỹ, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập và sức mạnh cho nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, khi doanh nghiệp nước ngoài muốn mang hàng hóa vào Mỹ phải chịu hàng rào thuế quan và các biện pháp khác. Chính vì thế, cách tốt nhất là sản xuất ngay tại đất Mỹ.
Đồng USD trong mấy năm tới có thể lên giá nếu nền kinh tế Mỹ ổn định và tạo ra thế lực mới trong quá trình tăng trưởng. Các nhà đầu tư sẽ được lợi đơn lợi kép từ sự tăng giá của đồng USD.
Kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn "bình thường mới" |
Bên cạnh lực hút từ kinh tế Mỹ, PGS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra những lực đẩy từ nền kinh tế Trung Quốc. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu đã buộc nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường phải đóng cửa hoặc di chuyển sang các quốc gia khác.
Tuy xu hướng này không ảnh hưởng tới dòng di chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ bởi Mỹ đòi hỏi về môi trường, công nghệ kỹ thuật cao nhưng rõ ràng lực lượng đầu tư và hình thái đầu tư ở Trung Quốc hiện nay đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật chất lượng cao gần như tương đồng với các nước phát triển. Các nhà đầu tư tìm đến quốc gia có nền kinh tế phát triển ổn định, đồng tiền ổn định sẽ an toàn hơn đầu tư vào nơi khác.
Sự chuyển hướng của kinh tế Trung Quốc khiến lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này trở nên lãng phí nếu cứ nằm một chỗ mà không sinh lời. Do đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài bằng cách cho vay với lãi suất thấp, vay ODA, vay lãi suất cao và đầu tư trực tiếp từ mua bán cổ phiếu đến đầu tư trực tiếp bằng cách xây dựng mới các nhà máy hoặc mua các nhà máy ở quốc gia khác. Trung Quốc đầu tư ở khắp mọi nơi, từ các nước đang và chậm phát triển để thu hút tài nguyên tới các quốc gia phát triển, có công nghệ cao.
"Khi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, mở nhà máy ở ngay đất Mỹ, họ sẽ sử dụng được nhiều công nghệ mà Mỹ có, cả những công nghệ mới mà Mỹ không cho phép xuất ra nước ngoài. Từ đó họ có thể học hỏi, đem ứng dụng công nghệ đó vào sự phát triển ở trong nước và các quốc gia khác. Đây là cái họ đang cần để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển hóa nền kinh tế Trung Quốc theo hướng phát triển công nghệ cao và hiện đại nhất của thế giới", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Cuộc di cư trá hình
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tới cuộc "di cư trá hình" của giới doanh nghiệp, nhà giàu Trung Quốc thông qua việc đầu tư sản xuất trên đất Mỹ. Ông chỉ rõ, dù đầu tư ở Trung Quốc cũng tương tự như đầu tư ở nước khác nhưng sự ổn định và khả năng an toàn của đồng vốn không tương xứng với các nước phát triển.
"Nhà đầu tư tư nhân thấy rằng nếu tiếp tục đầu tư trong nước thì họ sẽ tốn nhiều chi phí hơn, lại vẫn bị đòi hỏi công nghệ cao, đảm bảo môi trường như ở quốc gia phát triển, vậy tại sao họ không đầu tư sang nơi khác?
Chưa kể các nhà tư bản Trung Quốc đã nhìn xa thấy những xáo trộn trong xã hội Trung Quốc khi nền kinh tế chuyển mình sang một giai đoạn mới, đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường. Do đó, đầu tư sang quốc gia khác lâu dài, họ sẽ có được quyền công dân cũng như ưu đãi của các nước tiếp nhận vốn, họ có quyền có được thẻ công dân của các quốc gia đó. Đây là một bài toán nhằm bảo toàn tài sản của chủ doanh nghiệp và an toàn về chính trị cho họ nếu kinh tế, xã hội Trung Quốc có biến động.
Dĩ nhiên, nước Mỹ luôn chào đón những người giàu, có tài sản lớn, thu nhập ổn định để thu hút sức mạnh công nghệ và tài chính cho quốc gia. Còn nếu Trung Quốc toan tính đưa lao động phổ thông, công nghệ thấp như đã làm ở các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển thì sẽ không làm được điều này ở Mỹ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Dù vậy, vị chuyên gia về tài chính quốc tế cũng lưu ý, người Mỹ đã có bài học đắt giá khi mở cửa thị trường cho doanh nhân Nhật Bản sang Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Theo đó, họ nghĩ người Nhật có thể học mót, học lỏm kỹ thuật của Mỹ mà thôi, khả năng cạnh tranh không cao, nhưng người Mỹ đã đã nhầm.
"Các doanh nghiệp Mỹ chắc chắn không mong doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Mỹ nhưng họ không cản lại được quá trình đó, vì đây là luật của nước Mỹ. Việc cạnh tranh sẽ là động lực buộc doanh nghiệp Mỹ phải tái cơ cấu, tổ chức quản lý sản xuất lại, áp dụng KHCN cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Các nhà quản lý ở Mỹ nhìn thấy đây là động lực thúc đẩy đất nước phát triển", ông Thịnh nhận xét.
Theo Đất Việt