Toan tính doanh nghiệp Trung Quốc khi chuyển nhà máy đến Mỹ

Thứ năm, 30/03/2017, 14:18
Đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc cũng đồng thời di chuyển nhân công để giải quyết việc làm, nhưng làm điều này ở Mỹ không dễ dàng.

Sang Mỹ tốt hơn

Thay vì dọn chỗ đón công ty Mỹ, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong ngành sản xuất, chế tạo của Trung Quốc chuyển nhà máy đến Mỹ. Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng việc nhiều công ty Trung Quốc mở xưởng sản xuất ở Mỹ nằm trong xu thế dịch chuyển vốn đang diễn ra trên thế giới. Không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà doanh nghiệp của nhiều quốc gia như Pháp, Anh... cũng sang Mỹ để tìm kiếm cơ hội làm ăn tốt hơn.

Riêng đối với Trung Quốc, môi trường đầu tư ở quốc gia này đến nay đã bão hòa nên Nhà nước Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Bắt đầu từ năm 2015, làn sóng này gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở thị trường các nước châu Phi và Mỹ La tinh. Thậm chí có thời điểm, đầu tư của Bắc Kinh ra nước ngoài còn vượt đầu tư của các quốc gia khác vào nước này.

Về phía tư nhân Trung Quốc, khi môi trường đầu tư trong nước bão hòa, lãi suất bị giảm sút nên cũng chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Chưa kể công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều người giàu có chuyển sang nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy đến Mỹ

Một nguyên nhân khác thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc muốn sản xuất ngay tại Mỹ, theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, đó là xuất khẩu của Trung Quốc giảm sút do nhu cầu thực tế của bên ngoài suy giảm và chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế tự do thương mại, Trung Quốc lại làm ăn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, dẫn tới sự di chuyển của nhiều công ty Trung Quốc.

Bổ sung thêm ý kiến này, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, những tuyên bố về chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump có thể khiến các công ty Trung Quốc nhận định khả năng phải chịu thuế cao nếu sản xuất từ Trung Quốc là rất lớn. Nếu muốn tránh được thuế cao mà vẫn giữ được thị trường ở Mỹ thì họ chỉ có cách là sang Mỹ.

"Các công ty Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí lao động cao hơn, các vấn đề về môi trường ở Trung Quốc trở nên căng thẳng, thừa công suất sản xuất... Trung Quốc muốn giảm gánh nặng dư thừa công suất thì họ phải tìm cách ra nước ngoài và sẽ chọn nơi nào có lợi thế tốt hơn cả. Nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc như tuyên bố khi tranh cử thì dẫu doanh nghiệp Trung Quốc loanh quanh bên ngoài nước Mỹ vẫn có thể bị đánh thuế. Còn nếu họ sản xuất trực tiếp tại nước Mỹ thì thuế ít hơn, dù giá lao động ở Mỹ có cao nhưng doanh nghiệp Trung Quốc vẫn duy trì được thị trường của mình", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận xét.

Trước lo ngại việc di chuyển nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ có thể là cuộc di cư trá hình, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, đây là ý đồ của Trung Quốc bởi lâu nay, cùng với việc đầu tư vốn ra nước ngoài, Trung Quốc cũng đồng thời di chuyển nhân công để giải quyết vấn đề việc làm. Bằng chứng là nhiều công trình ở châu Phi, Mỹ Latinh, hay Việt Nam, Trung Quốc đưa cả nhà máy và nhân công sang, nhất là lao động phổ thông.

Còn ông Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh: "Trung Quốc có thể mang sang Mỹ nhiều lao động hay không tùy thuộc vào chính sách nhập cư của Mỹ. Ở Mỹ khác với nhiều nước khác, Trung Quốc không thể nói rằng họ đưa người sang vì bên đó thiếu loại lao động đó. Tổng thống Donald Trump muốn việc làm cho người Mỹ chứ không phải doanh nghiệp Trung Quốc mở xưởng ở Mỹ rồi kéo người Trung Quốc sang. Chuyện đó rất khó xảy ra đối với Trump".

Doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng cạnh tranh

Về phía Mỹ, các công ty nước này một mặt phải cố gắng duy trì sản xuất trong nước, mặt khác lại phải cạnh tranh với đối thủ nước ngoài trong việc mở rộng sản xuất ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Sơn khẳng định doanh nghiệp Mỹ không ngại chuyện này.

"Cách thức quản lý của Trung Quốc có thể có chi phí thấp hơn, nhưng họ không ngại vì chất lượng hàng hóa của họ cao hơn. Doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh trên đất Mỹ bởi công nghệ trong tay họ, người của họ, đất đai của họ, thị trường của họ...  Chưa kể khi doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ, họ sẽ kinh doanh theo các mô hình như của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc, tức người quản lý có thể chính là người Mỹ nên không có gì phải lo lắng.

Tăng trưởng kinh tế chẳng bao giờ có hại. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ngay trên đất Mỹ, chắc chắn Donald Trump cũng sẽ hoan nghênh như Jack Ma đã đầu tư vào Mỹ. Còn nếu cứ để nhà máy trên đất Trung Quốc, lại mang việc làm của nước Mỹ đi thì không thể được", ông Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhận định, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ không phải dễ dàng do chính sách bảo hộ của chính quyền Donald Trump. Mặc dù vậy, chính sách của Mỹ với Trung Quốc chưa thể nói là đã định hình. Trump tuyên bố áp thuế 45% với hàng nhập khẩu Trung Quốc, nhưng đó chỉ là lời nói lúc tranh cử, phải vài tháng nữa, khi đối thoại kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ diễn ra, lúc bấy giờ mới tương đối định hình về chính sách thương mại. Còn hiện tại, hai nước đang ở giai đoạn dậm dọa nhau.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích