Đại gia mua sưa 200 tuổi: Đường sang Trung Quốc?

Thứ ba, 28/03/2017, 13:03
''Một số đại gia Việt cũng có thú chơi gỗ sưa nhưng trên thực tế, người Trung Quốc mới là người hiểu rõ nhất được giá trị của loại gỗ này''

Sáng 25/3, chính quyền xã Hạ Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng người trúng thầu phiên đấu giá hồi năm 2016 tại Hà Nội đã tiến hành chặt hạ cây sưa 200 năm tuổi từng được rao bán 50 tỷ ở đình làng Đông Cốc.

Cây sưa này được giới chơi đồ gỗ đánh giá rất cao và coi nó như một bảo vật độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Nó quý không chỉ vì nó thuộc giống sưa đỏ (một trong những loại sưa có giá trị nhất) mà còn ở tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Điều khiến nhiều người quan tâm hiện nay chính là việc, người mua sẽ sử dụng cây sưa này để làm gì, và bán đi đâu.

Cây sưa đại thụ 200 tuổi bị chặt hạ

Trao đổi với PV chiều 27/3, anh Nguyễn Huy Dân - Giám đốc một công ty đồ gỗ mỹ nghệ cho biết, đối với những gốc sưa cổ thụ như ở Thuận Thành chắc chắn, vân gỗ sẽ rất đậm và đẹp.

Đường kính thân cây lớn, thân thẳng, lõi nhiều thì đa phần người ta sẽ thiết kế những món đồ cần loại gỗ sưa khổ lớn như phản, giường, tủ, hoành phi, bàn, ghế... còn những phần như cành nhỏ, rễ, sẽ được chế tác thành những món đồ như tượng Phật, ấm trà, vòng tay, hương án,...

Thông thường người Việt sẽ sử dụng những vật phẩm nhỏ, phù hợp với túi tiền. Rất hiếm đại gia nào chi hàng chục tỷ để sở hữu một món đồ làm bằng gỗ sưa. Đa số những vật phẩm kích cỡ lớn sẽ được xuất sang thị trường Trung Quốc.

''Một số đại gia Việt cũng có thú chơi gỗ sưa nhưng trên thực tế, người Trung Quốc mới là người hiểu rõ nhất được giá trị của loại gỗ này.

Rất nhiều người đã dự đoán về mục đích mua gỗ sưa của các lái buôn Trung Quốc, người thì cho rằng họ mua về làm thuốc, người thì cho rằng họ mua về để làm bùa, thậm chí còn có ý kiến khẳng định họ mua về để ướp xác. Tuy nhiên, cho đến nay đây vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Nhưng có thể khẳng định rằng, hàng trăm hàng ngàn mét khối gỗ sưa của Việt Nam đã bị tuồn sang Trung Quốc mỗi năm. Và tôi cũng khẳng định rằng, cây sưa mà vị đại gia Bắc Ninh vừa mua được cũng sẽ hướng tới thị trường Trung Quốc'', anh Dân nhấn mạnh.

Theo vị Giám đốc, việc xuất khẩu trực tiếp gỗ sưa nguyên khối qua đường chính ngạch đang bị cấm. Do đó, dân buôn đồ gỗ thường xuất gỗ sưa thô qua biên giới bằng cách buôn lậu hoặc chế tác thành các món đồ mỹ nghệ rồi xuất sang Trung Quốc thông qua một công ty trung gian.

''Theo tôi được biết, người Trung Quốc cũng trực tiếp tham gia vào việc thâu tóm các sản phẩm gỗ sưa tại Việt Nam, hoặc tham gia dưới dạng ủy quyền. Tại Bắc Ninh có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong ngành đồ gỗ mỹ nghệ'', anh Dân cho biết thêm.

Gốc sưa 200 tuổi khi chưa bị chặt hạ

Trước đó, ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) là người thắng phiên đấu giá cây sưa vào tháng 8/2016 với mức giá là 24,5 tỉ đồng. Sau khi thỏa thuận với chính quyền địa phương, ông Hùy hỗ trợ thêm 1,5 tỷ đồng cho nhân dân để sản xuất, tu bổ các công trình phúc lợi.

Trước việc dư luận cho rằng gỗ của cây sưa này sẽ được bán đi Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Hùy cho biết: ''Trước hết cứ để ở kho, xưởng, sau đó tính toán theo lượng tiền khách đặt hàng, nếu họ chịu được thì mình mới làm''.

Liên quan đến việc sử dụng số tiền 26 tỷ nói trên, ông Nguyễn Văn Hiến - Chủ tịch xã Hà Mãn cho biết, số tiền bán sưa được chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc, mỗi nhân khẩu là 10 triệu đồng. Ngoài ra, những người con của quê hương như con gái trong thôn đã đi lấy chồng hay người chuyển đi thì được số tiền là 5 triệu đồng.

Có khoảng 1500 khẩu được 10 triệu đồng/khẩu. Con gái đi lấy chồng hay người quê hương là 5 triệu. Tổng số tiền chia cho người dân xấp xỉ 17 tỷ đồng.

Số tiền 8,5 tỷ (trong đó có 1,5 tỷ đồng mà ông Hùy hỗ trợ thêm cho nhân dân để sản xuất, tu bổ các công trình phúc lợi) còn lại sẽ được dùng để tu bổ đình chùa, khu di tích và các công trình phúc lợi trong thôn.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn