Theo báo cáo năm 2016, nợ phải trả của Công ty cổ phần Thuận Thảo đã giảm đáng kể sau khi trích gần 62 tỷ đồng xử lý số tiền vay của bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty. Trước đó theo hợp đồng ký vào tháng 3/2010, bà Thanh sẽ sử dụng tối đa 120 tỷ đồng tài sản cá nhân nhằm bổ sung vốn đầu tư và kinh doanh cho công ty.
Theo thỏa thuận ban đầu, Thuận Thảo không phải trả lãi cho khoản vay này và đã nhiều lần ký phụ lục gia hạn thanh toán hợp đồng. Thời điểm hoạt động kinh doanh gặp khủng hoảng trầm trọng vào năm 2013, bà Thanh tuyên bố xóa nợ gần 80 tỷ đồng để cứu vãn tình hình và giúp công ty thoát khoản lỗ đậm. Từ đó đến nay, vị Chủ tịch và công ty tiếp tục thực hiện nhiều giao dịch vay mượn và tạm ứng, nhưng một số không được kiểm toán ghi nhận.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Thuận Thảo. |
Báo cáo tài chính công bố mới đây cho thấy, suốt nhiều năm liền, công ty còn thiếu tiền cổ tức, tiền mượn và thù lao của 6 thành viên khác trong gia đình bà Thanh, gồm chồng, con ruột và dâu rể. Khoản tiền này ước tính hơn 5 tỷ đồng và được chuyển vào nhóm nợ dài hạn.
Mối quan hệ vay mượn nợ càng diễn biến phức tạp hơn khi Thuận Thảo ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn vay 400 tỷ đồng để phát triển dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Khoản vay nảy sinh từ tháng 3/2013 theo hợp đồng có thời hạn 12 tháng, lãi suất là 14,4% một năm.
Công ty nêu trên cũng do bà Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Do gặp khó khăn trong đầu tư nên cuối năm đó, hai bên đồng ý điều chỉnh thời hạn vay thành 24 tháng và không tính lãi suất trong năm 2014. Lý giải về hành động này, ban lãnh đạo công ty cho rằng đây là dự án tiềm năng nên sẽ không gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ. Nhưng thực tế đến cuối năm qua, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến 453 tỷ đồng. Gần đây, công ty đã thừa nhận có nguy cơ mất khả năng thu hồi khoản cho vay này.
Do không thu hồi được nợ từ đối tác liên quan ở những năm trước nên nguồn vốn của Thuận Thảo đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cách đây 5 năm, vốn chủ sở hữu ước đạt 450 tỷ thì đến cuối năm qua, con số này âm hơn 423 tỷ đồng. Hiện công ty không còn vốn lưu động để sản xuất dẫn đến tình hình tài chính mất cân đối, chi phí phạt chậm nộp thuế và lãi vay phát sinh không ngừng.
Dự định thương thảo với các bên cho vay xin miễn giảm lãi vay, thực hiện cơ cấu lại nợ vay bất thành, cộng thêm sức ép từ ngân hàng đề nghị xử lý nợ đã đẩy Thuận Thảo đến quyết định chuyển nhượng các tài sản đã thế chấp, đồng thời đề nghị cho phép tự tìm nhà đầu tư thanh lý tài sản với giá cao hơn. Theo đó, tài sản thế chấp vay nợ và thuê tài chính gồm nhiều công trình đắt giá như khách sạn 5 sao CenDenluxe, khu du lịch Thuận Thảo Land, nhà hát Sao Mai, bến xe chất lượng cao…
Những "điểm mờ" trong việc giải quyết khoản công nợ liên quan đến cá nhân lãnh đạo xuất hiện từ khi Thuận Thảo còn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vận tải. Dù chuyển đổi lên công ty cổ phần từ năm 2009 và định hướng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành vào năm 2030 nhưng bộ máy quản lý vẫn mang nặng tính “gia đình”.
Báo cáo thường niên các năm gần đây luôn đặt vấn đề tái cấu trúc nhân sự quản lý doanh nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm. Công ty còn ký hợp đồng với một đơn vị tư vấn thực hiện công việc này, nhưng thực tế đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Đại diện công ty từng thừa nhận, ban lãnh đạo công ty hiện tại chưa xứng tầm với quy mô đầu tư và yêu cầu tổ chức dẫn đến trách nhiệm chồng chéo, công việc thường xuyên đình trệ và thiếu chuyên nghiệp.
Theo đó, tất cả thành viên trong danh sách cổ đông sáng lập đều là người một nhà. Bà Thanh và hai con ruột đang nắm giữ những vị trí quan trọng nhất trong HĐQT và ban Tổng giám đốc gồm 5 người. Tuy không trực tiếp điều hành nhưng ông Võ Văn Thuận (chồng bà Thanh) cũng giữ vai trò cố vấn và hỗ trợ cho công ty.
Theo VNE