Trước đó, chưa từng có ngân hàng nào phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động tiền.
Các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi hầu hết là ngân hàng vừa và nhỏ, như VietABank, Sacombank, LienVietPostBank, VIB hay VPBank… Và chủ yếu kỳ hạn được nhắm tới là các gói trung và dài hạn.
Như tại VietABank, ngân hàng này thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với các kỳ hạn cụ thể từ 6 đến 18 tháng với lãi suất tối đa lên tới 8,2%/năm. Cao hơn nhiều so với mức lãi suất tiết kiệm thường với kỳ hạn 18 tháng, là 7,8%/năm.
Sacombank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn trên 5 năm và 7 năm. Mức lãi suất ngân hàng này đưa ra lần lượt là 8,48% và 8,88%/năm, số tiền tối thiểu là 10 triệu đồng. và chỉ sau 3 ngày phát hành, Sacombank đã hoàn tất kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng.
VPBank cũng đưa ra chứng chỉ tiền gửi với gói kỳ hạn 18 và 24 tháng với mức lãi suất từ 7,5-7,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8-8,1%/năm, kỳ hạn 60 tháng lãi suất tối đa lên tới 9,2%/năm.
Theo các chuyên gia tài chính, việc nhiều ngân hàng đồng loạt sử dụng chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao để huy động chưa từng xảy ra trước đây.
Việc phát hành tập trung tại các ngân hàng vừa và nhỏ là do nhóm ngân hàng này đang chịu áp lực từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo Thông tư 06, từ năm 2017, các ngân hàng thương mại sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 50%.
Thực tế hiện nay, tại hầu hết ngân hàng vừa và nhỏ, cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu cho vay.
Cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng rất cao tại các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ hiện nay. Đồ họa: Quang Thắng. |
Sở dĩ các ngân hàng vừa và nhỏ có tỷ trọng cho vay trung và dài hạn lớn là do với đặc điểm thời gian đáo hạn dài, lãi suất cho vay trung và dài hạn thường cao hơn nhiều so với cho vay ngắn hạn.
Các ngân hàng nhỏ khó có thể cạnh tranh việc huy động vốn với các ngân hàng lớn nên phải cân đối sử dụng nguồn vốn huy động của mình để thu lại nhiều lãi nhất.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm hiện nay, NHNN chỉ quy định trần lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, nên việc các ngân hàng đẩy lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 9,2%/năm cũng không hề vi phạm quy định.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết các ngân hàng đang phải cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng quy định của NHNN, buộc các ngân hàng phải huy động nhiều vốn trung và dài hạn. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi này cũng nằm trong kế hoạch đó.
Chứng chỉ tiền gửi thường có số dư lớn và thời gian đáo hạn dài, nên lãi suất cao hơn các hình thức tiết kiệm là điều dễ hiểu.
Chứng chỉ tiền gửi cũng khác rất nhiều so với các phương thức tiết kiệm thông thường. Khách hàng sử dụng có thể chuyển nhượng hoặc mua bán trên thị trường, điều mà các hình thức tiết kiệm khác không làm được.
"Chứng chỉ tiền gửi chưa phổ biến tại Việt Nam. Trước đây, người dân chưa hề biết tới chứng chỉ tiền gửi. Gần đây, các ngân hàng công bố huy động bằng công cụ này nhiều người mới biết tới", ông Hiếu cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, việc các ngân hàng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao sẽ không ảnh hưởng tới lãi suất huy động thông thường, vì bản chất là các gói kỳ hạn khác nhau. Với lãi suất cho vay có thể sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng chung, nhưng sẽ không quá lớn vì thời gian đáo hạn của chứng chỉ tiền gửi rất lâu nên ảnh hưởng tới lãi suất cho vay trong năm 2017 sẽ không lớn.
Theo Zing