|
Ứng dụng Uber trên điện thoại di động - Ảnh: Reuters |
Theo trang tin Quartz, nếu thành công trong vụ kiện này, ông Maugham sẽ khiến Uber trở thành "con nợ" của chính phủ Anh với số tiền phải trả lên tới hàng trăm triệu USD.
Chưa kể là, nếu vụ việc này thành công, căn cứ vào những luật thuế tương tự đang áp dụng tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, vụ kiện của ông Maugham sẽ mở đường cho hàng hoạt các vụ tố tụng tương tự, và nếu thua, Uber sẽ trở thành "chúa Chổm" với vô số khoản nợ lớn trải khắp các nước trên thế giới.
Căn cứ khởi kiện
Đơn kiện của luật sư Maugham sẽ được nộp tại tòa án tối cao tại London trong tháng 4 tới. Trong đó ông bắt đầu từ một căn cứ về quyền được quy định trong luật pháp Anh.
Theo đó mọi công dân Anh có quyền yêu cầu cung cấp một hóa đơn VAT cho hàng hóa và dịch vụ họ mua. Một hóa đơn như vậy là bằng chứng cho thấy nhà cung cấp hàng hóa hay dịch vụ đó đã đóng một khoản thuế cho chính phủ Anh.
Luật sư Maugham cáo buộc Uber đang trốn tránh việc đóng thuế giá trị gia tăng (VAT). Tại Anh, ngoại trừ một số ngoại lệ dành cho thực phẩm và quần áo trẻ em, luật thuế nước này quy định mức VAT là 20% của chi phí hàng hóa và dịch vụ.
Vấn đề trọng tâm ở đây là khái niệm "dịch vụ" được định nghĩa như thế nào. Hãng Uber nói các tài xế của họ là những người tự kinh doanh, do đó mọi khoản thuế VAT đều phải do những người này chi trả.
Trong khi đó, tại Anh, luật pháp quy định ngưỡng thu nhập phải đóng thuế VAT là 85.000 bảng Anh (100.000 USD). Đây là mức thu nhập cao hơn nhiều so với mức một tài xế taxi bình thường có thể kiếm được. Do đó rất ít, nếu không nói là không có tài xế bình thường nào phải đóng thuế VAT.
Một phát ngôn viên của Uber nói: "Các tài xế sử dụng ứng dụng Uber sẽ phải tuân thủ luật thuế VAT giống như bất cứ nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào khác ở Anh".
Tuy nhiên trong một phiên tòa xét xử năm 2016 ở Anh, tòa đã ra phán quyết cho rằng, các tài xế sử dụng ứng dụng Uber được định nghĩa là những người lao động, do đó được hưởng các quyền của người lao động như đảm bảo mức lương tối thiểu, được trả lương khi nghỉ phép và có quyền tạm thời nghỉ việc.
Luật sư Maugham nói: "Vì các tài xế này đang làm việc cho Uber, nên các hệ quả từ phán quyết của phiên tòa đó sẽ dẫn tới việc Uber là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải chứ không phải những người lao động làm việc cho họ".
Đánh vào lợi thế cạnh tranh
Đương nhiên là tập đoàn Uber đang kháng cáo lại phán quyết đó của tòa án Anh. Tuy nhiên theo luật sư Maugham, ngay cả trong tình huống phán quyết đó bị đảo ngược, ông cũng không lo lắng vì ông còn có những lý do khác để khẳng định Uber đang cung cấp một dịch vụ.
"Luôn có một giá trị gia tăng trong việc Uber đang làm khi họ kết nối các tài xế với hành khách", bà Rita de la Feria - giáo sư luật thuế tại Đại học Leeds và cũng là một chuyên gia đầu ngành về thuế VAT, nhận định. "Do đó Uber thực sự đang cung cấp một dịch vụ, nếu không thế thì họ đã không thể tồn tại".
Nếu luận điểm của ông Maugham chiến thắng, Uber sẽ không chỉ nợ tiền thuế với chính phủ Anh mà tập đoàn này cũng sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về giá dịch vụ của họ khi mức VAT ở Anh lên tới khoảng 20%.
Và mặc dù mức VAT quy định khác nhau ở mỗi nước, nhưng nếu các chính phủ có thể buộc Uber phải thanh toán khoản thuế này, tập đoàn Uber chắc chắn sẽ phải đối mặt với một tổn thất tài chính khổng lồ.
Nếu ông Maugham thắng kiện, Uber cũng có thể còn phải đối mặt cả với việc phải thanh toán các khoản nợ thuế VAT bị truy thu cho các năm hoạt động trước đó.
Uber bắt đầu hoạt động tại Anh từ năm 2012 và theo những tính toán của ông Maugham, số tiền đó nếu phải trả sẽ lên tới hàng trăm triệu bảng Anh.
Tuy nhiên trong một diễn biến khác có liên quan, vừa mới tháng trước, một tòa án liên bang Úc đã ra phán quyết cho rằng các tài xế Uber chứ không phải Uber là bên phải trả thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), một loại thuế tương đương với VAT tại Anh.
Theo TTO