Cấm bán dạo vé Vietlott ở nhiều nơi

Thứ hai, 20/03/2017, 10:17
Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh, hiện đã có khoảng hơn 20 tỉnh thành yêu cầu Vietlott kiểm soát việc vé số in sẵn của đơn vị này kể từ khi có vé bán sai địa bàn, sai mức giá.    

Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) chỉ có thiết bị đầu cuối và đăng ký kinh doanh tại 12 tỉnh thành phố nhưng vé số in sẵn của đơn vị này đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành lân cận.

Mức giá của những loại này được bán ra cao hơn so với mức niêm yết từ 1.000 đến 2.000 đồng, khiến các chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp xổ số kiến thiết (XSKT) truyền thống bất bình.

Khởi nguồn tại phía Nam

Ngày 22/10/2016, tại cuộc họp thường niên lần thứ 108 của Hội đồng xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam, nhiều lãnh đạo các đơn vị XSKT cho rằng Vietlott đã cạnh tranh không lành mạnh, khi xuất hiện vé số tự chọn của đơn vị này được bán dạo với giá cao hơn giá niêm yết.

Cụ thể, vé số Mega 6/45 được in sẵn, bán dạo tại các thị trường đơn vị này chưa đăng ký kinh doanh, chưa có thiết bị đầu cuối. Vé bán dạo có giá 11.000-12.000 đồng, cao hơn mức niêm yết của đơn vị phát hành 1.000-2.000 đồng.

Đại diện hội đồng XSKT khu vực miền Nam cho rằng hành động này "gây mất ổn định thị trường, không đảm bảo tinh thần cạnh tranh lành mạnh".

Đồng thời, các công ty XSKT địa phương cũng phối hợp cùng cơ quan chức năng để "chấn chỉnh" hoạt động bán dạo vé số Vietlott tại những địa phương doanh nghiệp này chưa có thiết bị đầu cuối.

Thậm chí, UBND tỉnh Ninh Thuận còn sử dụng xe loa để tuyên truyền người chơi không mua vé bán dạo của Vietlott trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau kiến nghị của hội đồng này lên Bộ Tài chính, Vietlott đã phản hồi đơn vị này không có nhân viên bán vé số dạo. Việc vé số tự chọn xuất hiện tại những địa bàn mà đơn vị chưa có đại lý là hoạt động giao dịch giữa người chơi với nhau theo quy luật cung - cầu của thị trường.

Đơn vị cũng yêu cầu các đại lý siết chặt quy trình bán vé và khuyến cáo người dân nên đến trực tiếp các điểm bán hàng với nhận dạng thương hiệu, để được các nhân viên điểm bán đảm bảo các quyền lợi như mua vé đúng giá phát hành, tránh rủi ro bị lừa đảo hoặc mua vé với giá tiền cao hơn mệnh giá in trên vé.

Lan tới miền Trung

Ngày 14/3, xuất hiện thông tin UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Vietlott phối hợp, yêu cầu hệ thống đại lý của doanh nghiệp này trên địa bàn thành phố cam kết không thực hiện phân phối vé cho người bán lẻ để bán lại.

Nhiều tỉnh thành miền Trung đã bắt đầu "tuyên chiến" với vé số Vietlott bán dạo sai địa bàn. Ảnh minh họa: K. Linh.

Cơ quan này cũng phải đưa ra các giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở, trong đó đề nghị người bán lẻ cam kết không phân phối vé xổ số điện toán dưới hình thức bán dạo. Nếu người bán vé số dạo tiếp tục bán vé Vietlott sẽ bị đề nghị chấm dứt luôn cả việc phân phối vé XSKT truyền thống.

Trước đó, ngày 24/1, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã ra văn bản cấm việc tiêu thụ trái phép vé số Vietlott trên địa bàn tỉnh do gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ của vé số truyền thống ở địa phương. Theo công ty XSKT Quảng Ngãi, trước khi vé Vietlott bán dạo xuất hiện doanh thu của đơn vị đạt 350-400 triệu đồng/kì mở thưởng, tuy nhiên nay đã giảm khoảng 30-40%.

Tuy nhiên, ngay sau thông tin phía Vietlott cho hay chưa nhận được văn bản từ Đà Nẵng. Trước đó, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó tổng giám đốc Vietlott cũng cho biết đơn vị phát hành xổ số tự chọn cần sự hỗ trợ của các công ty XSKT địa phương về xử phạt vi phạm khi bán sai mệnh giá, địa bàn.

Theo ông, hiện luật đã quy định rất rõ ràng về việc vi phạm khi bán sai mệnh giá, sai địa bàn. Do đó, các cấp có thẩm quyền hoàn toàn có thể vào cuộc xử phạt vì vấn đề này liên quan đến quản lý Nhà nước.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích