Bạn đã sử dụng thẻ tín dụng đúng cách?

Thứ năm, 16/03/2017, 14:14
Có nên mở nhiều thẻ tín dụng cùng lúc? Chi tiêu cần tính toán trong mức độ nào để không mất khả năng chi trả và chú ý gì để luôn được miễn lãi... là những vấn đề mà bạn sẽ có câu trả lời phù hợp với trắc nghiệm sau.

Câu 1: Thẻ tín dụng khác thẻ ghi nợ như thế nào?

A. Được cấp hạn mức tín dụng trong khi thẻ ghi nợ thì không

B. Khi sử dụng thẻ, ngân hàng thanh toán thay còn thẻ ghi nợ thì tiền sẽ bị trừ ngay trong tài khoản chủ thẻ

C. Phí thường niên cao trong khi thẻ ghi nợ phí thấp hoặc không bị thu phí

D. Tất cả phương án trên đều đúng

Đáp án đúng: D

ban-da-su-dung-the-tin-dung-dung-cach-page-2

Thẻ tín dụng có nhiều điểm khác biệt so với thẻ ATM.

Thẻ tín dụng hay còn gọi là Credit Card và thẻ ghi nợ -  Debit Card là 2 loại thẻ thanh toán được phát hành bởi các tổ chức tài chính như ngân hàng nội địa hay tổ chức tài chính quốc tế. Chúng đều có mục đích hỗ trợ việc thanh toán điện tử cho người sử dụng.

Tuy nhiên, Credit Card (thẻ tín dụng) thì được mở một tài khoản thẻ tín dụng và khách hàng được cấp cho một hạn mức tín dụng (là số tiền ứng trước của ngân hàng có trong thẻ). Thay vì liên kết với tài khoản cá nhân, thẻ tín dụng liên kết với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính phát hành thẻ. Vì vậy, khi bạn thanh toán thông qua thẻ tín dụng thì nhà phát hành thẻ (ngân hàng) sẽ phải trả tiền cho merchant (các điểm chấp nhận thẻ... ), sau đó bạn sẽ thanh toán vào cuối tháng cho ngân hàng.

Điều kiện làm thẻ phụ thuộc vào mức lương bạn được công ty trả qua thẻ, hoặc được yêu cầu mở sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính và khả năng thanh khoản mới có thể được duyệt làm thẻ.  Thông thường các ngân hàng sẽ yêu cầu độ tuổi khách hàng ít nhất là 18 và có thu nhập ổn định hàng tháng, thường là 5 triệu đồng trở lên hoặc cao hơn ở một số ngân hàng.Thẻ này có một số loại như Visa, Master Card, JCB,...

Còn Debit Card (thẻ ghi nợ) thì chức năng chính là thanh toán với số tiền có trong tài khoản của bạn - tức là tài khoản ngân hàng của bạn có bao nhiêu thì được thanh toán bấy nhiêu. Khi bạn xài thẻ thì ngay lập tức tiền bị trừ vào tài khoản ngân hàng của bạn.

Để mở thẻ này rất đơn giản, bạn chỉ cần ra ngân hàng mở tài khoản và đăng ký là có thể đợi nhận thẻ ngay. Thẻ chủ yếu được dùng để rút tiền và thanh toán mua sắm tại các nơi có máy quẹt thẻ. Có 2 loại thẻ ghi nợ là thẻ ghi nợ nội địa (chính là thẻ ATM) và thẻ ghi nợ quốc tế (Visa Debit và Master Debit). Với thẻ ATM thì bạn chỉ có thể sử dụng trong nước, còn thẻ ghi nợ quốc tế bạn có thể dùng được ở nước ngoài.

Câu 2: Thời gian miễn lãi khi thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ bằng thẻ tín dụng tối đa là bao lâu?

A. 30 ngày

B. 40 ngày

C. 45 ngày

Đáp án đúng: C

ban-da-su-dung-the-tin-dung-dung-cach-page-4

Để hưởng lãi suất 0% thì bạn phải thực hiện trả nợ đúng theo cam kết với ngân hàng.

Thẻ tín dụng của bất cứ ngân hàng nào đều cho phép người sử dụng thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ và hưởng lãi 0% tối đa 45 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đầu tiên trong chu kỳ thanh toán với điều kiện thanh toán đầy đủ, đúng hạn toàn bộ số tiền đã vay của ngân hàng. Nếu trả nợ không đủ thì lãi suất sẽ bị tính từ sau khi hết thời hạn miễn lãi, và có thể sẽ phải chịu thêm một số loại phí khác.

Giả sử, ngày sao kê của ngân hàng là 30 hàng tháng và ngân hàng ân hạn thêm 15 ngày nữa để bạn trả nợ. Bạn sẽ có tối đa 45 ngày miễn lãi suất nếu có giao dịch phát sinh vào ngày 1 tháng này. Các giao dịch phát sinh càng gần ngày 30 thì thời gian miễn lãi càng ít đi.

Câu 3: Đến hạn, nếu bạn chỉ thanh toán một phần dư nợ gốc (mức thanh toán tối thiểu theo quy định) thì sẽ như thế nào?

A. Bị phạt chậm trả

B. Không bị phạt nhưng toàn bộ dư nợ bị tính lãi từ thời điểm ngân hàng giải ngân cho đến khi được thanh toán hết

C. Chỉ bị tính lãi suất với phần dư nợ gốc của kỳ chậm thanh toán

Đáp án đúng: B

Vì với thẻ tín dụng, ngân hàng cam kết miễn lãi nếu bạn thanh toán đầy đủ đúng hạn số tiền dư nợ cuối kỳ, nếu vi phạm cam kết, thanh toán thiếu dù chỉ một đồng, toàn bộ dư nợ đã giao dịch sẽ bị tính lãi từ thời điểm ngân hàng giải ngân cho đến khi được thanh toán hết (lãi suất tuỳ ngân hàng, dao động 15-25% một năm).

Do vậy, ngay khi nhận được bảng sao kê từ ngân hàng, chính là thời điểm bạn phải thu xếp giải quyết các món chi tiêu của kỳ trước đó. Tốt nhất, kể từ khi cầm trong tay chiếc thẻ tín dụng, hãy đặt ra tiêu chí không nợ lại ngân hàng bất kỳ con số nào sau khoảng 45 ngày tiêu chuẩn giới hạn.

Ví dụ, chu kỳ thanh toán thẻ tín dụng là từ ngày 1 đến 30 hàng tháng. Bạn được cấp thẻ tín dụng với hình thức miễn lãi 45 ngày, nghĩa là hạn chót trả tiền là ngày 15 tháng sau. Số tiền tối thiểu phải trả thường là 5% dư nợ.

Chẳng hạn, ngày 2/1 bạn mua hàng trị giá 3 triệu đồng. Ngày 31/1, bạn nhận hóa đơn báo thanh toán đầy đủ 3 triệu vào ngày 15/2. Số tiền thanh toán tối thiểu là 150.000 đồng. Đến ngày 15/2 này, bạn thanh toán 150.000 đồng.

Ngày 10/2 bạn tiếp tục mua hàng trị giá 4 triệu đồng thì cuối tháng 2, bạn sẽ nhận được hóa đơn bao gồm khoản thanh toán 4 triệu của tháng 2, còn khoản lãi số dư hiện có sẽ gồm cả dư nợ mua món hàng 3 triệu và 4 triệu đồng. Nguyên nhân bạn bị tính lãi của món 4 triệu là do ngày 15/2 bạn chưa thanh toán đầy đủ, nên bạn không được nằm trong diện miễn lãi 45 ngày của tháng 2.

Câu 4: Dùng thẻ tín dụng có thể rút được tiền mặt bằng ngoại tệ tại các máy ATM ở Việt Nam?

A. Đúng

B. Sai

Đáp án đúng: B

ban-da-su-dung-the-tin-dung-dung-cach-page-8

Chỉ khi nào bạn đi nước ngoài, ở nước nào thì giao dịch thanh toán, rút tiền bằng đồng tiền của nước đó.

Thông thường thẻ tín dụng được sử dụng để mua hàng, thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên thẻ tín dụng còn được sử dụng để rút tiền mặt tại máy ATM. Khi rút tiền mặt tại ATM thì chỉ được rút tối đa 50% hạn mức (tùy vào từng ngân hàng), chịu phí rút tiền và tính lãi suất ngay tại thời điểm rút tiền thay vì được miễn lãi tối đa 45 ngày như mua hàng hay thanh toán trực tuyến. Mức phí rút tiền mặt thường rất cao, dao động 2-5% trên số tiền rút. Do đó, cách thức này chỉ nên dùng trong trường hợp hạn hữu, cấp bách bởi sẽ khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Và trong lãnh thổ Việt Nam, tất cả giao dịch thanh toán và rút tiền mặt đều được thực hiện bằng tiền đồng. Chỉ khi nào bạn đi nước ngoài, ở nước nào thì giao dịch thanh toán, rút tiền bằng đồng tiền của nước đó.

Câu 5: Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thì cần gì?

A. Nhập mã pin

B. Không nhập mã pin

Đáp án đúng: B

ban-da-su-dung-the-tin-dung-dung-cach-page-10

Khi thanh toán tại quầy, thẻ tín dụng không cần nhập mã pin.

Khác thẻ ATM - thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng - Credit card không cần nhập mã PIN (mật khẩu) khi thanh toán tại quầy. Hơn nữa, chỉ cần có đủ thông tin ở mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng, người dùng (không phân biệt chủ thẻ hay không), vẫn có thể thanh toán trực tuyến mà không cần bất cứ điều kiện nào. Do đó, các tổ chức phát hành luôn khuyến cáo người sử dụng tuyệt đối giữ bí mật thông tin chủ thẻ để tránh bị mất tiền oan.

Theo các thống kê gần đây, khoảng 70% thông tin cá nhân bị đánh cắp do khách hàng lơ là, không quan sát thẻ khi thanh toán. Nhiều người vẫn giữ thói quen đưa thẻ cho nhân viên quẹt trong khi kẻ gian hoàn toàn có thể chụp lại mặt trước và sau và lấy cắp thông tin để trục lợi. Do đó, bạn cần phải theo sát và bảo vệ chiếc thẻ tín dụng kỹ như là tiền mặt.

Câu 6: Mở càng nhiều thẻ tín dụng càng tốt?

A. Đúng

B. Sai

Đáp án đúng: B

ban-da-su-dung-the-tin-dung-dung-cach-page-12

Bạn không nên dùng quá nhiều thẻ tín dụng vì sẽ tốn nhiều chi phí phát sinh và khó kiểm soát chi tiêu.

Thẻ tín dụng đang dần trở thành một phương tiện thanh toán được nhiều người sử dụng vì những lợi ích mà nó mang lại như linh hoạt trong chi tiêu, được chấp nhận trên toàn cầu, an toàn hơn cầm tiền mặt... nhưng nếu bạn mở quá nhiều sẽ là một cái bẫy rất lớn đối với người sử dụng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của bạn.

Nguyên nhân là khi có nhiều thẻ, bạn sẽ chi tiêu quá tay và vượt khả năng trả nợ của mình. Theo các chuyên gia thì một người chỉ nên chi tiêu và kiểm soát chi tiêu thẻ tín dụng với 50% thu nhập của bản thân là tốt nhất.

Theo đó, mỗi người chỉ nên có tối đa 2 thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, xếp hạng tín dụng - tiêu chí quan trọng để có thể vay tiền ngân hàng từ nay về sau - sẽ không tốt nếu các nhà băng biết bạn mở quá nhiều thẻ tín dụng.

Nếu được cấp hạn mức khá lớn, bạn chỉ cần mở một thẻ. Như thế sẽ giúp bạn giảm bớt các loại chi phí liên quan đến thẻ tín dụng như phí duy trì thẻ hàng năm (200.000 - 300.000 đồng), phí chậm nộp tiền, phí cấp lại thẻ, lãi suất khi chậm thanh toán… Với một thẻ tín dụng thì bạn đã phải trả những khoản phí này thì càng nhiều thẻ lại càng phải trả nhiều hơn.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích